Tôi may mắn được gặp Đại tá Đặng Hồng Quân, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai ở cơ quan Hội CCB tỉnh Yên Bái.* *Chỉ sau mươi phút trò chuyện là chúng tôi đã thấy mến nhau. Anh đọc số điện thoại của anh cho tôi lưu rồi chậm rãi kể: Quê tôi là làng Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Cả làng tôi còn giữ vẹn nguyên tập tục sinh hoạt văn hóa truyền thống người Dao, như câu hát giao duyên mộc mạc của người con trai: Anh yêu em đã quen rồi. Anh xin em một nắm cơm xôi, một nắm cơm tẻ ăn trưa đỡ đói...
Năm 1968, tôi đã mang những câu hát chân tình ấy vào quân đội khi vừa tròn 18 tuổi. Thấy tôi cao to, đẹp trai nên cấp trên cho làm pháo thủ số 5, pháo 57 ly, thuộc Trung đoàn 212, Sư đoàn B61, bảo vệ bầu trời Hà Nội. Do rèn luyện phấn đấu tốt, năm 1971 tôi được đi đào tạo tại Trường sĩ quan Phòng không. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tôi làm đại đội phó của Trung đoàn 282, Sư đoàn phòng không B65, cơ động trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Năm 1978, theo yêu cầu nhiệm vụ, tôi ra Bắc giữ cương vị tiểu đoàn trưởng, Lữ đoàn phòng không H43, Quân khu 1, tại Lạng Sơn rồi liên tục công tác tại các tỉnh biên giới phía Bắc.
Ngày ấy Khe Đát của tôi nghèo lắm. Cả làng có 92 gia đình với 400 nhân khẩu, trong khi diện tích rừng sản xuất những 137 ha mà có tới 74 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo, chỉ có 7 hộ khá và giàu, còn lại là trung bình. Điện không có, nhà nhà cách nhau thưa thớt, tối đến chỉ có vài ngọn đèn dầu le lói, mỗi đêm về quê, đứng ở xa nhìn về làng ngại lắm. Trong đời quân ngũ từ năm 1986 đến năm 1994, tôi làm Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ở điểm cao 1.383, nước không có nhưng sương thì nhiều, chúng tôi phải đào nhiều cái hố, rải ni lông rồi cắm vào giữa một cành lá to, đêm sương xuống, mắc vào lá rồi chảy theo cành xuống ni lông. Thế cũng đủ nước ăn, uống trong một ngày. Còn tắm giặt thì phải tổ chức các tổ thay nhau xuống núi xa vài cây số, người tắm, người cảnh giới cho an toàn. Thế cũng là khổ. Nhưng để dân làng sống mãi cảnh thiếu điện sao được?
Năm 2002, đang giữ chức Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai, tôi đem suy nghĩ của mình bàn với một số già làng, đảng viên, CCB và được các ông bà ủng hộ rất cao. Bà Trương Thị Gấm (vợ tôi, cũng là người Dao) cùng các con đồng tình giúp đỡ. Tôi cho làng vay 10 triệu đồng để mua các loại dây điện, con sứ và phụ kiện. Chi bộ và các đoàn thể vận động đảng viên, hội viên, đoàn viên, già trẻ cùng nhau lên rừng chặt tre gỗ, tham gia ngày công lao động, chỉ trong hai tuần đường dây dẫn điện dài 2,4km hoàn thành. Đêm ấy, cả làng hầu như không ngủ, người lớn ngồi uống nước, kể chuyện xưa, bàn cách gia cố thêm đường điện, trẻ con chạy khắp nhà nọ sang nhà kia reo vui trong ánh điện. Tôi mua một cái máy xát gạo để vợ con không phải xay giã vất vả nữa.
Năm 2005, khi tôi đã về hưu được một năm và được làng chọn làm Chủ nhiệm làng văn hóa Khe Đát, thì bỗng dưng có dịch đau mắt. Cả làng mắt ai cũng xưng vù, đau đỏ, trẻ con khóc ngặt nghẽo suốt ngày, người lớn không muốn lên nương. Tôi vào thành phố Yên Bái tìm hiểu, mời cả cán bộ vệ sinh phòng dịch về làng. Thì ra làng tôi ở hai bên bờ suối, phía trên sườn núi và yên ngựa là nơi chăn nuôi trâu bò, dê lợn, nước mưa cuốn phân gio, cỏ mục xuống suối, khiến làng ăn uống tắm giặt mất vệ sinh nên đau mắt. Tôi lại lên rừng trinh sát rồi bàn với vợ con đầu tư 16 triệu đồng mua ống nước nhựa từ phi 90 cho đầu nguồn, rồi nhỏ dần theo các nhánh đến phi 21, hoàn thành một hệ thống dẫn nước 5km từ rừng phòng hộ về các gia đình. Làng chỉ phân công nhau trông nom, khi mưa gió đường ống bị đổ gãy thì khắc phục. Nay có 30 gia đình làm theo và dẫn cả nước vào các ruộng bậc thang để sản xuất. Làng tôi so với trước là một trời một vực.
Nhờ có điện, nước cho sinh hoạt và sản xuất do ông Quân mang về, làng Khe Đát đã phát triển, tôi được biết bà con đầu tư mua sắm 2 ô tô tải, 4 máy xay xát, 1 xưởng cưa máy, 1 lò chiết xuất dầu quế, hồi, 3 máy sấy ngô, sắn, đàn trâu bò có 143 con, đàn lợn 365 con, đàn gia cầm khoảng 1.800 con, làng có 35 ha trồng sắn, 30 ha trồng quế và 25 ha măng tre Bát Độ… thu nhập bình quân đầu người đạt 400 ngàn đồng/tháng. Tuy chưa cao nhưng đã đổi đời. Khe Đát 3 năm liền đạt tiêu chuẩn làng văn hóa cấp huyện, từ năm 2011 được tỉnh đầu tư xây dựng nông thôn mới với 1 tỷ đồng để làm đường giao thông. Nhiều năm Đại tá Đặng Hồng Quân được các cấp từ xã, huyện, tỉnh và T.Ư Hội CCB Việt Nam khen thưởng.
Tô Kiều Thẩm