CCB, thương binh Trương Hải Lưu gieo sạ giống lúa Thiên Hương.

“Không cam chịu đói nghèo - Không lùi bước trước khó khăn - Không để đất bỏ hoang”. Đó là phương châm, làm việc và cống hiến không ngừng nghỉ của CCB Trương Hải Lưu - một thương binh với hơn 60% sức khỏe bị mất, nhưng mang trong tim ngọn lửa cách mạng không bao giờ tắt.

Từ chiến trường trở về - mang khát vọng ra đồng ruộng

Sau ngày chiến thắng, trở về quê hương Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thương binh, CCB Trương Hải Lưu lựa chọn con đường khởi nghiệp trên chính mảnh ruộng của quê hương. Đó là vào những năm 2000, khi người dân quê ông vẫn còn loay hoay với những giống lúa cho năng suất thấp, sản xuất manh mún, thiếu khoa học kỹ thuật. Ông Lưu tự nhủ: “Muốn góp sức cho đất nước sau chiến tranh, hãy bắt đầu từ việc giúp nông dân nâng cao sản lượng, có thu nhập ổn định”.

Nói là làm và đến năm 2009, “quả ngọt” đã chạm đến với ông Lưu. Ông được Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn tặng Giấy khen vì đã tổ chức thành công cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đó là nguồn động viên lớn để ông tiếp tục hành trình gieo “hạt giống niềm tin” trên đồng đất quê hương.

Năm 2016, CCB, thương binh Trương Hải Lưu vinh dự được Tỉnh ủy Ninh Bình tin tưởng giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện mô hình thí điểm “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có kiểm soát sâu bệnh bằng biện pháp sinh học” tại xã Chất Bình, huyện Kim Sơn (cũ). Đây là vùng đất có thổ nhưỡng đặc biệt, canh tác khó khăn. Ông Lưu cùng chính quyền và nhân dân mạnh dạn đưa giống lúa thơm Thái Bình T8, QK3, QK6 và sau này là giống lúa N91 chịu mặn vào gieo trồng.

Cũng từ đây, ông bắt đầu triển khai kỹ thuật gieo vãi bằng tay giống lúa thơm L2 - một cải tiến phù hợp với điều kiện đồng ruộng địa phương, rút ngắn thời gian gieo cấy, tiết kiệm giống, giảm công lao động, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Không dừng lại, gắn bó với nông dân, ông Lưu còn tiếp tục đồng hành với các HTX để lan tỏa giá trị tập thể. Ông cho biết: “Tôi cùng doanh nghiệp tư nhân Tuyết Lưu không chỉ đơn thuần cung cấp giống, mà còn phối hợp với các HTX nông nghiệp như Nam Lộc (Yên Lộc), Vinh Yên (Yên Nhân), Yên Nhân (Yên Mô)... xây dựng quy trình đồng bộ “4 nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nông dân. Với sự hỗ trợ của Sở NNPTNT, Phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn, chúng tôi tổ chức khảo nghiệm hơn 10 vùng ruộng tại các xã Chất Bình, Kim Tân, Quang Thiện với các giống lúa đặc sản như LT2, N91, QK6... và đạt kết quả nổi bật.

Điểm sáng trong hành trình này là mô hình gieo cấy lúa nếp Cẩm Hữu (xã Quang Thiện), được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận. Mô hình 2ha cho năng suất 9,3 tấn/ha, trở thành mô hình mẫu cho vùng trồng lúa đặc sản của tỉnh. Và gần đây, tiếp tục mô hình nuôi rươi kết hợp với trồng lúa chất lượng cao đang được nhân rộng tại xã Thượng Kiệm...”

Chuyển giao kỹ thuật - tiếp sức tri thức cho nhà nông

Hiểu rõ vai trò của kỹ thuật canh tác hiện đại, ông Lưu cùng các cộng sự tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật gieo vãi, bón phân hữu cơ sinh học, phòng trừ sâu bệnh sinh học cho hàng trăm hộ nông dân. Tổng kinh phí hỗ trợ từ doanh nghiệp và cá nhân lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Không dừng lại ở sản xuất, ông Lưu hợp tác với các nhà khoa học từ Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam, Trường đại học Nông nghiệp 1 tiếp tục khảo nghiệm, nhân rộng giống lúa LT2 - loại lúa thơm cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp thổ nhưỡng Ninh Bình và nhiều tỉnh phía Bắc. “Năm 2023, tôi hỗ trợ bà con nông dân xã Kim Tân sản xuất thành công 10ha lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn OCOP. Năm 2025, tôi tiếp tục đề xuất thực hiện mô hình khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao tại 5 xã thuộc 3 huyện trong tỉnh. Doanh nghiệp phối hợp HTX ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, cam kết giá thu mua ổn định, giúp nông dân yên tâm canh tác”.

Từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp của CCB Trương Hải Lưu trực tiếp hỗ trợ hàng trăm nông hộ, tổ chức 17 lớp tập huấn, tặng hơn 20 tấn phân hữu cơ, 7.000 kg giống các loại và nhiều sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Tổng giá trị hỗ trợ ước tính hơn 1,2 tỷ đồng.

Ông Lưu tin rằng, hành trình của một thương binh, một nông dân, một doanh nhân - không phải là hành trình đơn độc, mà là hành trình nối dài ý chí của thế hệ cách mạng đi trước: Biến mồ hôi thành hạt vàng trên đồng ruộng, lấy lao động sáng tạo làm vũ khí, lấy tri thức làm sức mạnh để làm giàu cho quê hương.

Người thương binh giữa đồng lúa - người truyền lửa cho thế hệ mới

Không ít lần, CCB, thương binh Trương Hải Lưu nhận được câu hỏi: “Vì sao ông vẫn miệt mài ngoài ruộng dù đã là thương binh, đã có doanh nghiệp riêng?” Khi đó ông Lưu chỉ cười: “Vì tôi vẫn còn nợ đất nước - nợ máu xương đồng đội và tôi trả bằng từng vụ mùa bội thu cho quê hương”.

Điều ông mong muốn hơn cả là chia sẻ mô hình gieo vãi lúa thơm L2 - không chỉ là một kỹ thuật canh tác, mà còn là biểu tượng của khát vọng đổi mới trong nông nghiệp nông thôn mới. Người CCB đã và đang kết nối với nhiều HTX để nhân rộng mô hình ra các tỉnh khác như Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh...

Trong năm 2025, CCB Trương Hải Lưu vinh dự được chọn là một trong các cá nhân tiêu biểu báo cáo điển hình trong phong trào thực hiện Quyết định 140-QĐ/TU của Tỉnh ủy Ninh Bình về hỗ trợ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là minh chứng sống động cho hành trình “Làm theo lời Bác” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực từ nông thôn.

CCB, thương binh Trương Hải Lưu, không chọn lặng lẽ nghỉ ngơi sau chiến tranh, mà chọn đứng lên giữa đồng ruộng, tiếp tục chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu. Bằng tất cả tâm huyết và lòng tri ân đối với Đảng, với Bác Hồ và nhân dân. Ông mong muốn tiếp tục đồng hành cùng phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày một vững bước trên con đường phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại và nhân văn.

Chính Nhi