Đại tướng quê ở Hưng Yên, tham gia cách mạng từ năm 1938. Trước Tổng khởi nghĩa, ông hoạt động qua nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, tới cuối năm 1944, thì phụ trách Ban cán sự Đảng Hà Nội, cùng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đi tới thắng lợi Cách mạng Tháng Tám. Đất nước vừa giành được độc lập, thực dân Pháp lại gây hấn ở Nam Bộ, lập tức ông có mặt trong đoàn quân Nam tiến, chặn lại bước chân xâm lược của kẻ thù, để rồi suốt 10 năm từ 1945 đến 1955, ông bám trụ và gắn bó với “Khu 5 dằng dặc khúc ruột miền Trung”. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nửa nước được hoà bình, ông mới tập kết ra Bắc và bấy giờ mới có dịp thăm lại quê hương chôn rau cắt rốn Hưng Yên của mình. Tuy nhiên, đã có lần ông kể: “Khu 5 là quê hương thứ hai của tôi không phải chỉ có nghĩa bóng”, mà nơi ấy, ông còn có “Một người bạn đời chung thuỷ… Một người phụ nữ đảm đang với tất cả ý nghĩa của từ này!...” và ông tâm sự:
“Liên khu 5 không chỉ là chiến trường tôi đã gắn bó suốt trong cuộc kháng chiến chín năm gian khổ chống thực dân xâm lược, mà nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của tôi không phải chỉ có nghĩa bóng. Những năm tháng đó, chúng tôi là những thanh niên xa quê hương miền Bắc, vào Nam chiến đấu ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, nên rất được nhân dân thương yêu, quý trọng.
Giữa năm 1947, đồng chí Phạm Văn Đồng mở một lớp học bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ trung, cao cấp của Nam Trung Bộ do đồng chí trực tiếp giảng dạy. Lớp được mở 10 ngày tại thôn Vạn Tượng, xã Nghĩa Dũng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có gần một trăm cán bộ đủ các thành phần quân, dân, chính, đảng đến dự, trong đó có “cô ấy”- là một trong ba cán bộ đại diện phụ nữ tỉnh. Tôi cũng là thành viên của lớp học này.
Trong khói lửa chiến tranh, bộ đội luôn luôn là hình ảnh đẹp nhất trong lòng nhân dân, đặc biệt đối với cha mẹ, các chị em phụ nữ. Có lẽ nhờ vậy mà tôi đã chiếm được cảm tình của “cô ấy”: một học sinh của lớp học, một thiếu nữ từng là nữ sinh trường Đồng Khánh ở cố đô Huế, con của một gia đình nghèo nhưng gia giáo, lại là người con của quê hương có cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.
Sau những ngày làm quen và gần gũi với nhau ngắn ngủi, chúng tôi phải chia tay nhau, tôi trở về đơn vị chiến đấu, còn “cô ấy” trở lại địa phương với công tác vận động phụ nữ. Năm sau, khi tôi về an dưỡng tại cơ quan Bộ tư lệnh Liên khu, đóng quân gần cơ quan của tỉnh, tôi mới có điều kiện gặp lại “cô ấy”, nhưng còn e ấp chưa dám ngỏ lời. Anh Nguyễn Chánh (Tư lệnh Liên khu) biết chuyện, đã đứng ra “nêu vấn đề” với cô ấy, nhưng vì chưa “rõ ngọn nguồn lạch sông” nên “cô ấy” phân vân, bởi không biết tôi đã xây dựng gia đình ở ngoài Bắc chưa, vì trong ấy cứ nghĩ thanh niên Bắc thường lấy vợ từ rất trẻ. Biết sự phân vân của Mai (tên cô ấy), đồng chí Phạm Văn Đồng đã gửi cho Mai một bức thư, với nội dung (sau ngày cưới tôi đã được đọc bức thư này): “Tôi biết đồng chí và đồng chí Quyết đặt vấn đề với nhau, tôi rất hoan nghênh. Đồng chí Quyết là một cán bộ tốt”.
Nhờ có lá thư “bảo lãnh” đó của đồng chí Phạm Văn Đồng, mà tôi và Võ Hoàng Mai đã nên vợ, nên chồng. Ngày cưới của chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cưỡi ngựa rong ruổi hơn 30 ki-lô-mét từ cơ quan về quê vợ tôi dự cưới.
Từ ngày đó đến nay, Võ Hoàng Mai - người vợ rất đỗi thân thương của tôi, luôn luôn là hậu phương vững chắc, chỗ dựa tinh thần quan trọng, một người bạn đời chung thuỷ, một cộng sự tin cậy. Có thể nói tôi hoàn thành được nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội giao, nhờ có một phần quan trọng của vợ tôi. Người phụ nữ ấy – có thời gian được giao nhiệm vụ Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, không chỉ hoàn thành tốt những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao, mà cũng rất chu tất với công việc gia đình, chăm sóc chồng con, một người phụ nữ đảm đang với tất cả ý nghĩa của từ này!.
Đầu năm 1995, đến dự cuộc họp đồng hương cán bộ phụ nữ Quảng Ngãi tại Hà Nội, gặp lại tôi, đồng chí Phạm Văn Đồng còn hỏi: “Tôi là người làm mai cho cậu, cậu có nhớ không?”.
NGUYỄN PHÚC ẤM