Chống chọi với đại dịch Covid-19 chưa qua, ngư dân lại tiếp tục đối diện với giá dầu tăng cao khiến cho chi phí mỗi chuyến ra khơi đánh bắt không còn lãi và thậm chí phải chịu lỗ...

Mặc dù đang trong thời vụ đánh bắt cá của ngư dân, nhưng  từ đầu năm  đến nay, ngư dân không mấy được vui vì sản lượng đánh bắt thấp, giá cá rẻ và cộng thêm với giá dầu tăng. Chi phí ra khơi quá cao khiến cho không khí đánh bắt cá tại nhiều vùng biển không còn nhộn nhịp như trước đây.

Ngư dân Bùi Văn Đông ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: Mùa cá trích năm nay đến muộn so với mọi năm, mặc dù thời tiết có thuận lợi nhưng anh và rất nhiều ngư dân trong xã ra khơi đánh bắt thu về sản lượng không được cao như năm ngoái. Không chỉ sản lượng thấp, giá cá năm nay lại bị rẻ, giá cá trích hiện nay chỉ còn từ 8.000-10.000 đồng/kg. Theo anh Đông, lần ra khơi mà đánh bắt được thì anh và các bạn thuyền cũng chỉ kiếm được khoảng 300.000 đến 400.000 đồng. Có chuyến đi về còn không đủ bù cho chi phí.

Theo một số ngư dân tại Quảng Bình, những vụ cá trích trước đây, chỉ cần ra cách bờ khoảng 5-6 hải lý là đã thu về một sản lượng lớn cá trích, nhưng tại thời điểm hiện tại, ngư dân phải ra xa cả chục hải lý mà đánh bắt cũng không ăn thua. Một thương lái thu mua cá trích trên bờ biển xã Ninh Hải cho biết, giá cá trích năm nay giảm, thế nhưng chi phí dầu lại tăng cao, không chỉ có ngư dân vất vả mà ngay các thương lái cũng vậy. Vì lời ít chi phí lại nhiều...

Không chỉ có ngư dân ở Quảng Bình. Tại tỉnh Thanh Hóa, ngư dân các khu vực biển T.P Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Hậu Lộc cũng không kém phần ảm đạm. Do giá dầu tăng cao nên khiến cho nhiều tàu cá nằm bờ mà không dám ra khơi đánh bắt như mọi năm. Theo một số chủ tàu cá tại vùng biển Sầm Sơn cho biết, chưa bao giờ giá dầu lại tăng cao như năm nay. Trong khi đó sản lượng đánh bắt hải sản năm nay giảm nhiều so với mọi năm trước dẫn đến việc có nhiều chủ tàu cá phải chịu thua lỗ sau nhiều chuyến ra khơi. Nên thời điểm hiện tại rất nhiều tàu cá nằm bờ mà không chịu ra khơi đánh bắt.

Anh Chung, một ngư dân tại phường Quảng Tiến, T.P Sầm Sơn cho biết: Gia đình anh có 5 tàu cá, công suất từ 400 đến 600CV, gần 1 tháng nay, cả 5 con tàu của anh vẫn phải nằm bờ để chờ ngày ra khơi...

Theo anh Chung, mỗi chuyến ra khơi có thời gian khoảng trên dưới 20 ngày, với chi phí khoảng 200 triệu đồng, các loại chi phí như tiền công lao động, tiền dầu mỡ, tiền đá ướp lạnh, tiền ăn uống... nên ít có chuyến nào ra khơi lại có lãi được. Trung bình mỗi chuyến ra khơi xa, các tàu tiêu tốn cả nghìn lít dầu, nếu trước đây giá dầu chưa tăng thì mỗi chuyến đi, anh Chung thu về được khoảng 20-30 triệu đồng, giờ giá dầu tăng cao nên đi chuyến nào chịu lỗ chuyến đó.

Không chỉ có anh Chung, anh Bình - ngư dân ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Gia đình anh nhiều đời làm nghề ra khơi, cả nhà anh sinh sống là nhờ vào tàu cá (công suất 600CV). Trước đây, doanh thu sau mỗi chuyến ra khơi xa gia đình anh thu về cũng được vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán 2022, gia đình anh phải đối diện với rất nhiều khó khăn sau mấy chuyến đi biển đều bị thua lỗ.

Anh Bình cho hay: Đi biển thì lỗ, để tàu nằm bờ thì xót vì tàu cá bị hoen gỉ. Con tàu anh Bình mới đóng được 3 năm, có giá gần 2 tỷ đồng, bây giờ nằm bờ gia đình không có thu nhập và phải trả lãi ngân hàng tiền vay đóng tàu trước đây.

Hiện nay, nhiều chủ tàu cá tại vùng biển Thanh Hóa cũng như nhiều vùng biển khác đều rất mong chờ trong thời gian tới giá dầu sẽ giảm nhiệt, hoặc được trợ giá phần nào để tiếp tục ra khơi, bám biển. Bởi để tàu cá nằm bờ họ phải chịu nhiều khó khăn, như chi phí bảo dưỡng tàu, phương tiện xuống cấp, trả lãi ngân hàng...

Theo ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NNPTNT): Trong năm 2021 giá nhiên liệu tương đối ổn định, Sang năm 2022, đặc biệt là chiến sự Nga - Ukraine đẩy giá dầu thế giới tăng cao, kéo theo giá dầu trong nước tăng. Bình quân 1 tháng, tàu cá tiêu thụ hết 330 triệu lít dầu, trước đây thì tương đương 6.600 tỷ đồng. Với giá như hiện nay tốn khoảng 8.000 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng mất thêm 1.400 tỷ đồng, đây là con số cực kỳ lớn. Vì vậy, khoảng 7.000 tàu cá xa bờ và 3.000 tàu cá ven bờ phải nằm bờ. Dự kiến giá dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới, gây khó khăn lớn đến hoạt động khai thác thủy sản.

Hoàng Thanh