Đang vào chính vụ nên không khí “làm vải” đang tấp nập lắm, đâu cũng thấy những xe cải tiến từ các nhà chở đầy vải ra các ngã ba, ngã tư để cân cho các thương lái. Con đường 190 từ TP. Hải Dương về Thanh Hà vui như hội, các loại xe ô tô lớn bé nối đuôi nhau về “ăn vải”. Không chỉ là “mua tận gốc, bán tận ngọn” mà còn để tránh chuyện trà trộn để lấy danh “vải Thanh Hà”. Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở, anh Đặng Như Bình-Phó chủ tịch Hội CCB huyện tâm sự: Thanh Hà là “quê gốc” của trái vải thiều. Thời xưa, vải thiều Thanh Hà là đặc sản tiến vua, ngày nay nó không chỉ nức tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. “Thị trường nhiều nước như Mỹ, Nhật, Anh, Ca-na-đa, Hàn Quốc… khó tính lắm anh ạ, nhưng khi được thấy, được nếm vải thiều Việt thì lại tìm cách mua bằng được!”. Tại làng Thúy Lâm (xã Thanh Sơn) hiện có cây vải hàng trăm năm tuổi được công nhận là cây vải tổ đất Việt, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận “Cây vải thiều lâu năm nhất”… Hiếm có loại cây nào được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; được bình chọn tốp 10 sản phẩm uy tín, chất lượng tiêu biểu tin cậy vì người tiêu dùng; được bình chọn “Tinh hoa đặc sản ba miền”, “Thương hiệu vàng”… như vải thiều Thanh Hà.
Tuy là huyện thuần nông của tỉnh Hải Dương với hơn 11.300ha đất nông nghiệp nhưng lúa ở Thanh Hà lại là loại cây “thiểu số”, khi hơn 60% diện tích đất nông nghiệp được trồng các loại cây ăn quả, chủ yếu là vải thiều, ổi… Riêng diện tích trồng vải lên đến gần 4.000ha (hơn 1.300ha vải sớm, tập trung ở 6 xã khu Đông và 2.600ha vải chính vụ. Được đánh giá là mất mùa, nhưng ước tính, sản lượng vải của huyện năm nay đạt hơn 30.000 tấn, giá vải gần 30.000 đồng/kg đầu vụ và đến thời điểm giữa vụ này là khoảng 15.000 đến 17.000 đồng/kg, đem về cho Thanh Hà khoản thu nhập khoảng 600 tỷ đồng. Dịp này, nông thôn đang vào mùa gặt, vậy mà đi qua các xã Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Cường… đâu đâu chúng tôi cũng thấy những vườn vải đang đỏ trĩu quả. Về xã Thanh Cường, gặp hội viên CCB, Bí thư Đảng ủy xã-Đặng Văn Lan; Chủ tịch Hội CCB Vũ Thanh Hồng, Phó chủ tịch CCB Đặng Văn Thạch được biết, cả xã, nhà nào cũng trồng vải. Cả xã có 207 hội viên CCB ở 5 chi hội Hạ Trường, Thành Thịnh, Vĩnh Bình, Vĩnh Xá, Vĩnh Ninh thì cả 207 gia đình CCB này đều trồng vải, không còn cấy lúa. Năm nay vải mất mùa nhưng nhà ít thì cũng được tấn non, tấn già vải quả, nhà khá hơn như gia đình các hội viên CCB Nguyễn Hồng Tân ở chi hội Vĩnh Xá, hội viên Lê Công Cương ở chi hội Vĩnh Bình, hội viên Trịnh Xuân Du ở chi hội Vĩnh Ninh và nhiều gia đình hội viên khác nữa thì được 3-4 tấn là chuyện bình thường. Ở xã Thanh Thủy cũng vậy, cả 279 gia đình hội viên CCB cũng như người dân toàn xã đều trồng vải trên diện tích đất nông nghiệp 364ha. Từ cây vải, người dân Thanh Thủy đã đủ ăn, đủ mặc, xây được nhà, mua được xe máy, ô tô; đường làng đổ bê-tông đi khắp nơi, ra khắp cánh đồng cho người và xe khắp nơi về đây mua vải; cả xã Thanh Thủy hiện chỉ còn 12 gia đình hội viên CCB xếp loại nghèo theo tiêu chí mơi (6%)… Cái hay ở Thanh Thủy ở chỗ, xã đã khoanh vùng được 82 hộ ở thôn Lai Xá với diện tích 30,7ha trên tổng số 270ha toàn xã để thực hiện trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap từ năm 2011 đến nay, trong đó anh Nguyễn Đức Nhân-Phó chủ tịch Hội CCB xã là Nhóm trưởng. Được tập huấn, nắm được phương pháp và biết được lợi ích khi thực hiện VietGap nên gia đình nào cũng hăm hở làm theo, chỉ phun thuốc được cấp theo đúng lịch trình mà quả nào cũng đều tăm tắp, không sâu bệnh; tránh được những loại thuốc độc hại, tốn tiền mà thu nhập lại cao; năm trước vùng vải VietGap Thanh Thủy đã đưa được 1,5 tấn sản phẩm của mình vào thị trường Mỹ; 3 tấn vào thị trường các nước EU và Úc. Vải bên mình giá 30.000 đồng/kg, sang đó bán 17 USD/kg nên thu nhập người trồng vải được nâng cao nhiều, ai cũng vui. Không chỉ xuất khẩu mà bán trong nước cũng đắt giá vì sạch ngon, an toàn thực phẩm. Đến thăm vườn vải VietGap gia đình chị Nguyễn Thị Lụa, anh Nguyễn Văn Vân, anh Nguyễn Bá Tân… chứng kiến cảnh thu hoạch vải, chọn vải, được bóc, được thưởng thức những quả vải tại vườn ngọt lịm, ai cũng vui. “Hướng phát triển cây vải thời gian tới ư? Phát triển diện tích cây vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap; GlobalGap lên gấp đôi, gấp ba nhà báo ạ! Thêm niềm vui nữa với chúng tôi, nhà báo nhé, Hà Nội đã khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm chiếu xạ hoa quả xuất khẩu rồi, quả vải không phải đi xa nữa mà có thể nhanh chóng được xuất khẩu, lại tiết kiệm tiền vận chuyển nhiều đấy!”-CCB, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy-Ngô Xuân Khải vui vẻ: “Chỉ hai, ba năm nữa thôi, nhà báo về đây sẽ thấy, Thanh Thủy, Thanh Hà chẳng còn nhà nào diện nghèo nữa đâu!”. Từ cây vải thiều Thanh Hà, từ người nông dân Thanh Hà, cây vải thiều hiện đã được trồng bạt ngàn trên vùng quê mới Lục Ngan (Bắc Giang) với hàng chục vạn tấn quả được xuất khẩu đi Trung Quốc, Mỹ, các nước EU, Nhật Bản, Úc… làm rạng danh cho nông sản Việt, góp phần xóa được đói, giảm được nghèo, làm giàu cho người nông dân chúng ta.
Thanh Hà đang ngày càng đi lên ấm no, phát triển kinh tế-xã hội từ cây vải đầy chất ngọt lành.
Ghi chép của Lê Doãn Chiêu