Pakistan đã phóng thích phi công của Ấn Độ và hoạt động của tuyến đường sắt liên kết hai quốc gia sẽ được nối lại. Đây là một tín hiệu vui bởi trong hơn hai tuần qua căng thẳng giữa hai nước đã lên đến đỉnh điểm và nếu chiến tranh xảy ra giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân thì hậu quả sẽ khôn lường.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nam Á xấu đi nhanh chóng kể từ sau vụ đánh bom đẫm máu ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát ngày 14-2, làm ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Căng thẳng tiếp tục tăng cao sau khi hai bên có một loạt hành động quân sự trả đũa lẫn nhau như Ấn Độ không kích trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, chặn các máy bay chiến đấu của Pakistan vi phạm không phận và buộc các máy bay này phải quay đầu. Đáp lại, Không quân Pakistan tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ, bắn rơi 2 máy bay và bắt giữ 1 phi công. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lập tức yêu cầu Islamabad đảm bảo an toàn và trao trả viên phi công này. Pakistan sau đó đã đóng cửa không phận, gây xáo trộn hàng nghìn chuyến bay trên thế giới trong 2 ngày liền.

Súng đã nổ, nhưng chính những nỗ lực ngoại giao của hai nước nhằm vãn hồi hòa bình đã thực sự làm im tiếng súng. Ngoại trưởng Pakistan - Shah Mahmood Qureshi cho rằng: Để không kích nổ thùng thuốc súng, điều trước tiên hết là các bên liên quan phải giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và đối thoại. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ - Rajnath Singh khẳng định: New Delhi sẵn sàng hỗ trợ Islamabad đối phó với mối đe dọa khủng bố trên lãnh thổ quốc gia láng giềng này.

Cũng chính ngoại giao đã giúp xử lý nhiều cuộc xung đột nhỏ lẻ trước đó giữa hai quốc gia. Sau khi Pakistan tách ra khỏi Ấn Độ vào năm 1947, hai nước đã 3 lần chiến tranh ở khu vực tranh chấp Kashmir. Cũng do xung đột, cả hai nước đã nâng cấp năng lực quân sự của mình. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), sau hàng thập niên tích cực xây dựng quân đội, Ấn Độ đã vượt Pakistan về mặt số lượng máy bay chiến đấu, binh sĩ, xe tăng và trực thăng quân sự. Ấn Độ cũng chi 64 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, vượt xa Pakistan (11 tỷ USD) trong lĩnh vực này.

Hơn nữa, Ấn Độ sở hữu khoảng 130-140 đầu đạn hạt nhân, còn con số này của Pakistan cũng lên tới 140-150. Nếu như Pakistan đang phát triển tên lửa hành trình phóng từ biển và hiện sở hữu vũ khí hạt nhân tầm xa có thể vươn tới quần đảo Andamn của Ấn Độ, thì năm 2018, Ấn Độ đã cho vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, đồng nghĩa với việc nước này đã có đủ bộ ba hạt nhân, có khả năng tiến hành tấn công từ mặt đất, trên không và trên biển.

Vũ khí hạt nhân có tính chất răn đe rất lớn và trong lịch sử thế giới thì mới chỉ duy nhất một quốc gia là Mỹ sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt này khi ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Hơn ai hết, Ấn Độ và Pakistan tự biết rằng nếu hai quốc gia lao vào cuộc chiến quy mô lớn và phải dùng đến vũ khí hạt nhân thì hậu quả sẽ rất tàn khốc.

Rất may, dù hai bên đã có những lời đao to búa lớn và xung đột cũng đã nổ ra nhưng các nỗ lực giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao, hòa bình đã lại phát huy tác dụng, kể cả trong mâu thuẫn hết sức căng thẳng này. Đây cũng là bài học lớn cho các nước láng giềng có xung đột về lợi ích và an ninh, để tránh sử dụng đến vũ lực.

Ngọc Hưng