Hơn hai năm trước, sau dịp Kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2009), Báo Sài Gòn Giải phóng chính thức phát động cuộc vận động từ thiện mang tên “Nghĩa tình Trường Sơn”, nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay, góp sức chia sẻ khó khăn đối với gia đình CCB, cựu TNXP Trường Sơn và đồng bào các dân tộc sinh sống dọc trên dãy Trường Sơn trong chiến tranh, xây dựng các công trình đền thờ tưởng niệm liệt sĩ, ở những nơi trọng điểm bị máy bay, đạn pháo Mỹ đánh phá ác liệt, đồng thời xây dựng các công trình dân sinh trên các bản làng xa xôi bạt ngàn Trường Sơn, để tri ân đồng bào đã đổ máu, hi sinh, góp công sức cho “Trường Sơn hùng vĩ”, góp phần cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc chiến đấu giải phóng hoàn toàn miến Nam, thống nhất đất nước.

Tính đến tháng 11-2011, tổng số tiền tài trợ đã lên tới 57,387 tỷ đồng, trong đó, chương trình đã tặng Báo CCB Việt Nam (trong Chương trình “Vang mãi khúc quân hành - CCB gương mẫu” được tổ chức tại Dinh Thống Nhất tháng 12-2009), với số tiền 150 triệu đồng, xây nhà tình nghĩa tặng cho các gia đình CCB gặp khó khăn. Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” đã xây dựng và bàn giao 681 căn nhà tình nghĩa, tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước; xây dựng và trang bị các trang thiết bị hoàn chỉnh 3 bệnh xá; trao tặng 1.330 suất học bổng; cứu trợ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt; tặng quà Tết cho đồng bào miền Trung, Tây Nguyên; xây dựng 2 cầu nông thôn ở tỉnh Long An và trao tặng hàng trăm tivi cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa; xây dựng 2 đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại bến phà Long Đại (Quảng Bình) và tại Bến Tắt (vượt cầu sông Bến Hải, Quảng Trị); xây dựng Làng Ho - một di tích lịch sử, căn cứ đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn năm 1959 - trở thành làng văn hóa dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn...

Từ những kết quả đáng trân trọng này, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã tạo thành phong trào rộng lớn, cả nước cùng vào cuộc hướng về Trường Sơn huyền thoại. Giai đoạn 2 của chương trình được phát động với đối tượng thụ hưởng nhiều hơn và sự tài trợ không chỉ của các doanh nghiệp, mà còn có các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong nước và nước ngoài. Dự kiến, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn trong giai đoạn 2 sẽ xây dựng 800 căn nhà tình nghĩa (45 triệu đồng/căn); xây dựng 3 đền thờ liệt sĩ Trường Sơn tại 3 địa điểm là: trọng điểm A-T-P (cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu-la-nhích) trên đường 20 Quyết Thắng, giao điểm Đông - Tây Trường Sơn tại Ngọc Hồi - Kon Tum và căn cứ điểm cuối cùng của đường Trường Sơn, tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tổng kinh phí xây 3 đền thờ này là 45 tỷ đồng. Chương trình cũng dành 5 tỷ đồng xây 5 trạm xá tại các bản làng biên giới thuộc các tỉnh Đắc Lắc, Quảng Nam, Quảng Trị, tỉnh Xa-van-na-khét (Lào) và tỉnh Rát-ta-na Ki-ri (Cam-pu-chia); tài trợ 2.500 suất học bổng trị giá 5 tỷ đồng. Cùng với hoạt động về nghĩa tình trên, chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” sẽ thực hiện bộ phim dài 52 tập, với sự phối hợp của Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, dự kiến phát sóng từ tháng 5-2012.

Từ giai đoạn 2 của chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh sẽ là thành viên thứ hai của Ban tổ chức. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội cho biết: “Chương trình thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, mang tính nhân văn sâu sắc, không những người còn sống được quan tâm chăm sóc, mà linh hồn các liệt sĩ cũng cảm nhận được những tình cảm đó. Chúng ta không thể lãng quên những người đã hi sinh, đổ máu xương vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, mà phải có những hành động thiết thực đền ơn, đáp nghĩa. Đây là cuộc hành trình của trái tim về cội nguồn. Tin rằng giai đoạn 2 sẽ thành công vì có sự hưởng ứng của cả nước và vong linh các liệt sĩ ủng hộ”.

Vũ Xiêm