Từ ngày 31-7 đến 5-8-2020, Ban Liên lạc Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tổ chức Khánh thành Nhà bia ghi danh 27 liệt sĩ chiến đấu, hy sinh anh dũng trong trận ngày 8-4-1970 tại Cà Lu Ấp, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, (Quảng Trị) và thắp hương tưởng niệm liệt sĩ tại Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức và Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đại Lãnh, Đại Lộc (Quảng Nam).

    Thực hiện âm mưu ngăn chặn và bình định, Tiểu đoàn 1 thuộc trung  đoàn 77 bộ binh cơ giới Mỹ thường xuyên hoạt động lấn chiếm tại khu vực Cà Lu Ấp, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) nhằm ngăn chặn lực lượng ta từ hướng cửa rừng, giữ vững hành lang cho khu vực Cùa và Ái Tử. Quân địch điều 23 xe tăng án ngữ ở 2 quả đồi thuộc khu vực Cà Lu Ấp, bố trí một cụm ngụy trang bí mật, và một cụm công khai hằng ngày đi lùng sục càn quét bắt bớ hại dân ta....

    Trước tình hình đó, Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn 66, (Sư đoàn 304) do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Căn chỉ huy nhận lệnh tập kích tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới quân Mỹ (địch) tại Cà Lu Ấp. Theo đó, từ ngày 05-4, Ban Chỉ huy đại đội 7 cùng các cán bộ tác huấn, chính trị, hậu cần cấp trên tiến hành các công tác chuẩn bị chiến trường, tiếp cận trận địa, triển khai lực lượng chiến đấu. Sáng ngày 8-4, từ Đài quan sát cấp trên báo về cho đại đội hiện có nhiều xe tăng di chuyển tại Cà Lu Ấp. 21 giờ cùng ngày, các trinh sát tiếp cận mục tiêu báo về chỉ huy cụ thể số lượng xe tăng và xe M113 có trong cụm bộ binh cơ giới địch từ 20 đến 23 chiếc cùng với các loại lô cốt chiến đấu.

    Theo kế hoạch tác chiến đã định, các trung đội tiếp cận trận địa chờ lệnh nổ súng. Đến 1 giờ 15 phút ngày 8-4, trung đội 3 trên hướng chủ yếu được lệnh nổ súng. Khẩu B41 trên vai tiểu đội trưởng Ninh vọt nòng bay thẳng cắm phập làm bốc cháy 1 xe tăng, bắn tiếp quả thứ 2, chiếc thứ 2 cùng chung số phận. Quả thứ 3, khẩu B41 theo lệnh của đồng chí trung đội trưởng quay hướng, chỉnh tầm bắn tiêu diệt 01 khẩu cối 81 ly. Thi đua lập chiến công, từ hướng của trung đội 1 bắn tiêu diệt 2 xe tăng và một xe thông tin chỉ huy. Quân địch bị đánh bất ngờ, khiến cho bộ binh và xe tăng rối loạn sau 4 phút mới phản ứng được.

  Trận chiến 2 bên diễn ra càng về sau theo thế giằng co ác liệt. Đến 3 giờ cùng ngày, quân địch điều 6 xe tăng chuyển hướng tấn công sang cánh phải của đội hình đại đội. Đồng chí Căn, Đại đại trưởng lệnh cho các xạ thủ B40, B40, các loại hỏa lực đại liên, súng cối, tranh thủ sự chi viện pháo binh của trên cùng bộ binh tấn công tiêu diệt thêm 5 xe tăng, trong đó đồng chí Hòa, tiểu đội 4 diệt 2 xe. Cứu thế  thất bại, quân địch điều 2 máy bay trực thăng tăng viện bộ binh cho cụm chiến đấu. Đồng chí Công, Tiểu đoàn phó lệnh cho các hỏa lực phòng không bắn cháy 1 trực thăng khi vừa đáp xuống đất và một chiếc khác bị bắn rơi tại chỗ từ súng B40.

     Sau 3 giờ 40 phút 2 bên giao chiến, đến 3 giờ 50 phút cùng ngày quân địch còn 4 chiếc xe tăng và cụm bộ binh chống cự chờ chi viện. Phía ta, bộ đội thương vong nhiều, các loại súng B40, B41 hết đạn, kể cả lựu đạn, thủ pháo nên không đủ sức tổ chức tấn công. Để bảo toàn lực lượng, cấp trên lệnh cho đơn vị tiến hành thu dọn chiến trường, tổ chức lui quân. Kết quả trận đánh vào cụm cơ giới bộ binh Mỹ tại Cà Lu Ấp, diệt 16 xe tăng, 01 xe M113 và gần 100 tên địch đã lập nên chiến công vang dội chiến trường Quảng Trị của một đại đội bộ binh ta tấn công làm thất bại thảm hại 1 tiểu đoàn Mỹ với nhiều loại xe bọc thép trong thế phòng thủ kiên cố có lợi thế tác chiến từ trên 2 núi cao.

    Nối tiếp chiến công. Sau đó gần 4 năm (1970 - 1974) những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, (Sư đoàn 304), trong đó có tiểu đoàn 8 đã góp công làm nên Chiến thắng Thượng Đức, phá toang cánh cửa Thép phía Tây thành phố Đà Nẵng (ngày 7/8/1974). Thực thi mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy Chiến dịch Thượng Đức, chỉ huy các Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304); Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324); bộ đội, du kích và nhân dân địa phương Quảng Đà phối hợp chiến đấu hạ quyết tâm quyết tiêu diệt bằng được căn cứ Quận lý Thượng Đức. Qua 3 đợt chiến đấu, đặc công bí mật luồn sâu, bộ binh ém quân thực hành chiến thuật đánh FE (rồng lửa) để phá cửa mở tiến công chiếm lĩnh trận địa, kết hợp với pháo binh bắn cấp tập, chính xác vào trận địa địch; đồng thời nhiều khẩu pháo 85 ly, hỏa lực ĐKZ, cối 82...được kéo lên đồi cao bắn trực diện tiêu diệt từng lô cốt một trong căn cứ của địch tạo điều kiện cho quân ta tiến công. Sức công phá và sức nóng kinh hoàng của đạn pháo làm cho bộ binh địch trong các công sự bằng bê tông “nửa chìm, nửa nổi” chịu đựng không nổi phải trồi lên tháo chạy toán loạn về hướng sông Vu Gia thoát thân, hàng trăm tên đầu hàng và bị bắt làm tù binh. Cánh cửa Thép phía Tây Đà Nẵng bị Quân Giải phóng phá toang, Chi khu quận lỵ Thượng Đức hoàn toàn giải phóng trong niềm vui chung chiến trường Quảng Đà, giải phóng hàng ngàn người dân Đại Lộc và địa phương lân cận quay lại quê hương cũ.

                                                                                Bài và ảnh: Nhân Mùi