Đặc biệt, trong giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay, khi giữ vững bản sắc dân tộc đang trở thành một yêu cầu cốt tử thì việc gìn giữ, phát huy những giá trị của nghệ thuật truyền thống càng trở nên cần thiết hơn lúc nào hết.

Vấn đề là giữ bằng cách nào?
Đã có không ít ý kiến của các chuyên gia văn hóa, những nhà quản lý văn hóa đề xuất gìn giữ nghệ thuật truyền thống nguyên gốc. Tức là, phục dựng lại, bằng hết khả năng có thể, những môn nghệ thuật truyền thống và tiếp tục lưu truyền theo đúng nguyên bản.
Với giải pháp này, chúng ta tìm lại và giữ được tương đối chuẩn mực những giá trị của nghệ thuật truyền thống - một vốn quý của dân tộc. Nhưng, từ đây lại phát sinh vấn đề - phát huy cái vốn quý ấy như thế nào?
Đơn cử một môn nghệ thuật truyền thống như rối nước. Không gian diễn xướng truyền thống của rối nước là nhà thủy tọa giữa ao đầu làng. Nay, những không gian như thế không còn nhiều. Chưa kể, để giới thiệu rối nước với bạn bè năm châu, với công chúng cả nước, chắc chắn không thể “bê” cả cái nhà thủy tọa, cùng cái ao làng lên… tàu bay!
Một ví dụ khác, chèo vốn là môn nghệ thuật của những làng quê Bắc Bộ, với không gian diễn xướng chủ yếu là sân đình. Đến nay, vẫn còn nhiều chiếu chèo theo kiểu truyền thống được gìn giữ.
Cũng tương tự rối nước, khi nhu cầu “trưng diện” văn hóa truyền thống rộng mở cánh cửa ra toàn thế giới, chèo truyền thống khó lòng mang toàn bộ không gian diễn xướng của mình đi lưu diễn.
Thực chất, câu chuyện giữ gìn nguyên gốc hay cách tân nghệ thuật truyền thống không chỉ là nỗi trăn trở của các nhà làm văn hóa ở Việt Nam. Bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng xảy ra sự xung đột giữa cái cũ và mới. Có thể lấy ví dụ về nước Đức, một quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới. Trong một lần tới Việt Nam để dựng vở kịch kinh điển “Vòng phấn Kavkaz”, đạo diễn người Đức Dominik Guenther cho biết, cách tân của ông trong vở kịch cũng gặp phải không ít sự phản ứng của người xem. Tuy nhiên, việc làm mới những vở kịch kinh điển tại Đức đã có bề dày. Và tại đất nước này có hai hệ thống nhà hát kịch, một dành cho những khán giả muốn xem kịch nguyên gốc và một dành cho đối tượng sẵn sàng tiếp nhận cái mới.
Nhìn rộng hơn trên thế giới, sự cách tân nghệ thuật truyền thống đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Pianist Richard Clayderman, nhạc trưởng Paul Mauriat… đặc biệt thành công với nhạc bán cổ điển. Ban nhạc nổi tiếng thế giới Il Divo là một minh chứng cho việc Pop hóa Opera…

Chú trọng thị hiếu công chúng
Vậy Việt Nam nên gìn giữ nguyên gốc để giữ gìn vốn cổ hay cách tân nghệ thuật truyền thống để đưa bản sắc dân tộc ra rộng hơn với thế giới, với chính công chúng trong nước?
Nhìn ở góc độ văn hóa, nghệ thuật là một vốn quý giá của dân tộc nên không thể tự đánh mất. Vì thế, những gì là nguyên gốc vẫn nên được gìn giữ, lưu truyền và trình diễn. Đồng thời, cũng nên có những giải pháp gìn giữ “cứng”, tức là lưu giữ dưới dạng tư liệu để sẵn sàng cho tình huống nghệ thuật truyền thống nguyên gốc không còn đất tồn tại.
Nhìn ở góc độ kinh tế, nghệ thuật cũng là một mặt hàng. Mặt hàng đó cũng phải chịu sự chi phối của quy luật cung-cầu. Vì thế, khi nó đáp ứng được thị hiếu của công chúng, nó sẽ tồn tại. Và tất nhiên, ngược lại!
Hiện tại, trên thị trường văn hóa, nghệ thuật truyền thống đang sống ở tình trạng “đèn trước bão”. Vì thế, để nghệ thuật truyền thống “khỏe lại”, không thể không có những giải pháp cách tân nhằm phù hợp với nhu cầu của công chúng hiện đại.
Nếu ngược về quá khứ, nghệ thuật truyền thống cũng là một quá trình lần lượt sinh ra. Tức là, có những môn nghệ thuật có bề dày truyền thống nhiều trăm năm, cũng có những môn có “tuổi đời” chỉ trên dưới 1 thể kỷ.
Hay nói cách khác, nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng. Vậy, có lẽ không nên “đóng đinh” những gì được định danh là “truyền thống” hay “kinh điển” mà đánh mất sức sáng tạo của các thế hệ sau.
Huy Đăng