Nhà có 5 anh em, nhưng chỉ có Đoàn là theo nghề cha - nghệ nhân làm quạt giấy nổi tiếng Dương Văn Mơ. Hình ảnh người cha một mình trên chiếc xe đạp cũ, với chiếc máy ảnh, rong ruổi khắp nơi để thu vào ống kính những tấm ảnh đẹp nhất mang về làm mẫu vẽ trên những chiếc quạt nghệ thuật luôn khắc ghi trong tâm trí của anh. Chính niềm đam mê và tài năng của cha đã kéo anh về với nghề truyền thống. Nhắc tới người cha đã về với tiên tổ, anh xúc động nói: “Mỗi chiếc quạt ông làm là một tác phẩm nghệ thuật hội tụ cả hội họa, chạm trổ, thêu, dệt lụa, sơn mài... Tôi may mắn được cùng ông làm chiếc quạt xác lập kỷ lục quốc gia tại lễ hội phố Hoa Hà Nội năm 2009. Quạt cao 5m, khi giở ra rộng10m, hiện để ở Trung tâm triển lãm Vân Hồ, Hà Nội”.
Khi cụ Mơ mất, không ít người hoài nghi về khả năng nối nghiệp cha của anh. Bản thân anh cũng trăn trở bởi trước đây những khâu khó thường cha anh trực tiếp làm. Anh tâm sự: “Đối với quạt thư pháp và quạt trang trí thì công đoạn vô cùng quan trọng là vẽ tranh, viết chữ. Với tôi, đây là khâu khó nhất vì tôi không được học hành bài bản. Ban đầu, bức tranh tôi vẽ không có hồn, chỉ là những mảng màu. Nhưng dần rút kinh nghiệm, học hỏi thêm, sản phẩm của tôi đã được khách hàng chấp nhận”.
Để làm nên một chiếc quạt có nhiều công đoạn và được làm thủ công từ đầu đến cuối. Khâu chọn nguyên liệu quyết định độ bền của sản phẩm: Tre làm xương quạt phải già, đủ gốc và ngọn thì chắc thịt, ngâm nước 3 tháng để tránh mối mọt; giấy quạt là loại giấy dó, giấy điệp mua ở làng Đông Hồ (tỉnh Bắc Ninh); vải the thì được làm từ lụa Hà Tây... Khi vào giấy cho nan quạt phải khéo léo sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, thuận tiện cho việc vẽ tranh. Khi các công đoạn làm quạt hoàn thiện, người họa sỹ phủ lên quạt một lớp sơn bóng để giữ cho quạt sáng, đẹp, bền.
Được tận mắt xem những tác phẩm của anh, tôi mới hiểu vì sao chỉ có gia đình anh mới làm được loại quạt này. Mỗi chiếc quạt trang trí có bán kính 1,2m, được chính nghệ nhân Dương Văn Đoàn vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải toan, điêu khắc tỉ mỉ trên từng nan quạt. Vì vậy, anh khẳng định, mỗi chiếc quạt đều có đường nét riêng, không chiếc nào giống chiếc nào. Anh chỉ sản xuất các sản phẩm cao cấp được khách đặt trước với yêu cầu khác nhau về chi tiết, màu sắc, kiểu tranh... Làm theo mẫu đã khó, anh còn nhận làm sản phẩm dựa trên ý tưởng của khách hàng: quạt phong thủy, quạt thờ, quạt lễ hội tâm linh, quạt quà tặng... Điều đó đòi hỏi anh Đoàn phải tìm hiểu thêm nhiều kiến thức văn hóa để sản phẩm làm ra đạt được mong muốn của khách.
Hằng năm, anh thường nhận đơn đặt hàng của Tổ chức từ thiện Amour des Art của Pháp. Anh cho biết thêm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... cũng có quạt truyền thống, nhưng anh vẫn nhận được nhiều đơn hàng từ các thị trường này vì họ yêu thích sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công của anh.
Không chạy theo lợi nhuận, sản xuất hàng loạt, anh Đoàn vẫn chọn cho mình hướng làm quạt nghệ thuật. Anh vừa nhận phục chế đôi quạt cổ có niên đại hàng trăm năm, xương quạt làm bằng ngà. Nhận công việc mất rất nhiều thời gian và công sức, thu nhập không đáng là bao, nhưng anh vui vì được khách hàng tin tưởng và vì được thử thách chính mình.
Với lối sống bình dị, chan hòa, anh Đoàn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương như: Phó bí thư chi bộ thôn 2 (xã Chàng Sơn), CLB Cựu quân nhân...
Sống cùng gia đình trong nếp nhà bình dị của cha để lại, giữa làng nghề giàu truyền thống, nghệ nhân Dương Văn Đoàn đang góp phần thổi hồn vào quạt giấy Chàng Sơn, đưa thương hiệu quạt Chàng Sơn vươn ra thế giới.
Hồ Thanh Hương