Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội cách đây 70 năm (10.10.1954 - 10.10.2024) là ngày trở về - về lại Hà Nội trái tim của cả nước có một trầm tích truyền thống lịch sử lâu đời với bao hình ảnh thiêng liêng đã đi vào ký ức của dân tộc như một biểu tượng của văn hóa, biểu tượng của niềm tin. Một tháp Rùa soi bóng hồ Gươm, một quảng trường Ba Đình lịch sử và tên gọi Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những niềm tự hào vừa thiêng liêng vừa vinh hạnh. Đó là ngày về của Trung đoàn Thủ đô mà cách đó 9 năm những chiến sĩ ôm bom ba càng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” biến mọi ngõ phố, góc nhà thành trận địa ghìm chân giặc Pháp. Họ, những người con mang trong mình truyền thống hào hoa ngàn năm Thăng Long đã hửng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ vô cùng hào hùng và thiêng liêng: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng,gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp xâm lược”... Sau 2 tháng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu kìm chân địch để các cơ quan T.Ư chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, Trung đoàn Thủ đô đã rút lui lên chiến khu, bảo toàn lực lượng.  

Sáng ngày 10-10-1954, Đại đoàn 308 dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào nội thành Hà Nội. Từ sáng sớm nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô. Trên 36 phố phường rực đỏ cờ hoa trong nắng thu vàng, các cánh quân như năm cánh sao vàng từ năm cửa ô đã về đây hội tụ. Những người lính còn mang màu da sốt rét rừng, đội mũ nan bọc vải, đi dép cao su, quân phục bạc màu nhưng trên khuôn mặt của họ thật rạng rỡ, thật hồng tươi màu cờ sắc nắng.

Vào lúc 15 giờ, còi Nhà hát lớn thành phố nổi một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự lễ chào cờ tại sân vận động cột cờ. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban Quân chính trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Mở đầu lời kêu gọi Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ vẫn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào, muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”...

Trong những ngày thiêng liêng lịch sử này, chúng ta lại càng nhớ Bác vị lãnh tụ kính yêu luôn sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi trong các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ bởi Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Bác vẫn cùng chúng cháu ra trận.. Ngày giải phóng Thủ đô, Bác đã trở về cùng những đoàn quân. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh toàn dân kháng chiến, lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Nhà thơ Tố Hữu không kìm nén được sự xúc động dâng trào đã viết: “Giữa Thủ đô - Cụ Hồ về/ Bộ đội - Tiến vào năm cửa ô/ Về đến đây rồi Hà Nội ơi/ Người đi kháng chiến chín năm trời/ Hôm nay về lại đây Hà Nội/ Dàn dụa vui lên nước mắt cười”.

70 năm đã trôi qua nhưng trong lòng mỗi chúng ta ai cũng như đang được sống lại những giây phút khoảnh khắc hân hoan hồ hởi ấy. Một náo nức tưng bừng, một hồi tưởng ký ức đẹp đẽ xúc động thân thiết trong giai điệu hành khúc rộn ràng của bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui/ Lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố”. Thật kỳ lạ bài hát này được nhạc sĩ Văn Cao viết từ năm 1949 với một linh cảm tuyệt diệu một tưởng tưởng thật bay bổng mà rất hiện thực. Đó cũng chính là ý chí quyết tâm của toàn dân, toàn quân ta khao khát được một ngày trở về giải phóng Thủ đô thân yêu. Con đường về giải phóng Thủ đô là con đường đã trải qua bao hy sinh mất mát. Bao đồng chí, đồng đội thân yêu đã ngã xuống, máu đào của họ đã tô thắm thêm ngọn cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trước đoàn quân chiến thắng trở về.

Thủ đô Hà Nội chính là điểm hẹn lịch sử, nơi không chỉ là biểu tượng văn hiến ngàn năm mà còn là biểu tượng cho ý chí kiên cường nơi tỏa sáng niềm tin và hy vọng. Một Hà Nội hào hùng linh thiêng hùng tráng trong giai điệu “Người Hà Nội” của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, Đông Đô, đây Hà Nội/ Hà Nội mến yêu”. Có thể nói nhịp hành khúc bước quân hành của những đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô là một bản tổng phổ, bản giao hưởng muôn sắc điệu, sắc màu với bao thắm tươi cộng hưởng làm cho thành phố ngàn năm trẻ lại hồng tươi màu cờ; mọi cửa sổ mở ra, mọi cửa ô mở ra đón luồng gió mới của hòa bình độc lập. Ngày trở về của những đoàn quân chiến thắng, trên ngực áo các anh còn phập phồng tấm huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”. Các anh trước đó 5 tháng đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội chấn động địa cầu. Và 18 năm sau, Thủ đô kiên cường đã làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, hạ nhục uy thế pháo đài B.52 của giặc Mỹ.

Những ngày này trở lại Thủ đô Hà Nội vừa trải qua cơn bão lịch sử Yagi, dẫu còn dấu vết của bão nhưng nắng thu đã trải vàng trên từng tán lá xanh vừa qua vật vã của cuồng phong gió bão. Sức mạnh tiềm tàng của Thủ đô Hà Nội chính là sức mạnh của văn hiến, văn hóa, một trữ lượng tinh thần bền bỉ thăng hoa thật  mạnh liệt.

Ngày giải phóng Thủ đô mãi mãi lưu giữ trong ký ức, trong tâm hồn trong sự ngưỡng vọng của mỗi người dân đất Việt. Khúc quân hành ngày về giải phóng Thủ đô chính là con đường kết tinh bao vẻ đẹp truyền thống yêu nước của dân tộc ta mà Thủ đô Hà Nội hào hoa là nơi hội tụ bao tinh hoa của mọi miền đất nước. Đường về giải phóng Thủ đô là con đường chiến lược cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta vạch ra để hướng tới tương lai: Thủ đô hòa bình của niềm tin và hy vọng.

                                                          Hà Tĩnh, ngày 23- 9- 2024

Nguyễn Ngọc Phú