CCB Vũ Xuân Tú (người đứng, bên trái) hướng dẫn người khuyết tật kỹ thuật may tại xưởng.

Ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương ai cũng biết hội viên CCB, thương binh 2/4 Vũ Xuân Tú là người đa tài lại giàu lòng thương người, luôn giúp đỡ người tàn tật vươn lên trong cuộc sống. Nhập ngũ năm 1970, Vũ Xuân Tú được phân công về công tác tại Đồn Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Cảng Hải Phòng. Đến năm 1979, anh đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, được kết nạp Đảng năm 1981 đầu năm thì cuối năm ấy, trong một trận chiến đấu, anh bị sức ép của đạn pháo và nhiều mảnh đạn găm vào người. Đầu năm 1985, anh phục viên trở về quê hương; tham gia công tác lao động - thương binh xã suốt 13 năm liền. "Nhìn những đứa con khuyết tật của đồng đội cũ, tôi luôn muốn làm điều gì đó để gánh đỡ phần khó khăn, xoa dịu bớt nỗi đau của đồng đội" - CCB Vũ Xuân Tú nói.  

Từ suy nghĩ ấy, Vũ Xuân Tú bàn với vợ là chị Nguyễn Thị Tám thành lập Công ty CP Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Hải Dương, mở xưởng may phát triển từ cửa hàng may của gia đình ở thôn Du La, xã Cẩm Chế nhận con em khuyết tật của đồng đội về hướng dẫn học nghề may và thêu miễn phí rồi tìm việc làm cho các cháu. Doanh nghiệp của anh bước đầu gặp vô vàn khó khăn. Với bản lĩnh người lính, người đảng viên, anh xuôi ngược tìm kiếm nguồn hàng duy trì việc làm; xin kinh phí, xin chỉ tiêu, phối hợp với các trường dạy nghề đào tạo mỗi năm 3 khóa, tạo việc làm cho hơn 60 lao động, tổng cộng đã có hơn 1.000 cháu khuyết tật trong và ngoài tỉnh Hải Dương được anh chị đào tạo nghề may, thêu, trở về gia đình lập nghiệp. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, gia đình anh Tú có một xưởng may duy trì việc làm cho hàng trăm lao động với các loại sản phẩm là quần áo đồng phục, quần áo bảo hộ lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; một xưởng thêu thủ công cho trên 40 lao động với các loại túi, mũ, khăn trải bàn, tranh treo tường đầy màu sắc. Hai cơ sở nằm ở hai huyện Thanh Hà và Kinh Môn. Khi gặp chúng tôi, cháu Đỗ Thị Hiền, con CCB Đỗ Nguyên Thủy ở xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà đang làm ở xưởng may cho biết, với người khuyết tật ở đây, thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng cũng đã là khá ổn. Còn cháu Lê Xuân Giáp với bàn tay trái bị mất sau tai nạn thì đang thoăn thoắt chuyển hàng… Người nào việc nấy, chỉ khi tan ca, tiếng cười nói mới rộn ràng. Anh Tú cho biết, bản thân anh và vợ quyết tâm ngày đêm học ký hiệu của người câm, điếc để mọi người cùng hiểu nhau, rèn luyện người lao động cách ứng xử khi giao tiếp, làm sao để các cháu không bị chạm tự ái, vươn lên khắc phục nhược điểm cá nhân, tự tin hòa nhập với cộng đồng. Ngoài vai trò Giám đốc, anh Tú còn luôn tích cực tham gia các công tác xã hội, hiện anh là Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Hải Dương, là Trưởng BLL truyền thống Trung đoàn 10, Bộ đội Biên phòng. Hai con trai của anh chị thì một là chiến sĩ Công an, một là chiến sĩ Biên phòng.

Ở xã Cẩm Chế, ai cũng quý người CCB, thương binh Vũ Xuân Tú hết lòng vì người khuyết tật.

Ngọc Khánh