CCB Nguyễn Văn Tân (bên trái) gặp lại hai cán bộ trung đội của Đại đội 2, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 271 sau 49 năm.

Sau hơn ba tuần hành quân vào Nam bằng tàu hỏa, ô tô, xà lan và đi bộ trên đường Trường Sơn, Trung đoàn 568 (Đoàn 2004) chúng tôi đã ở trên đất bạn Lào.

Hôm ấy, 27-3-1973, khi đơn vị đang hành quân thì anh Nhãn - Chính trị viên đại đội hô lớn, giọng hơi lạc đi: “Hiệp định Pa-ri ký rồi, các cậu ơi, nghe này…”.

Rồi anh mở to hết cỡ chiếc đài Orionton của đại đội. Cánh rừng khộp chợt như im ắng hơn. Cánh lính trẻ chúng tôi nín thở đón nghe. Tiếng phát thanh viên liên tục đọc nội dung Hiệp định, tiếp đó là bài hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi” vang lên. Nghe mà sướng. Cả đoàn quân rạo rực hơn khi tiểu đoàn cho căng cờ Quân giải phóng dẫn đầu đội hình hành quân…

Chiều hôm ấy, chúng tôi gặp đoàn thương - bệnh binh đi ngược ra Bắc, nhìn ai cũng gầy gò, hốc hác nhưng nét mặt thì tươi roi rói, nói với chúng tôi: “Hòa bình rồi, các cậu vào có mà nhặt ống bơ...”. Cả đơn vị lại râm ran bàn tán, Trong tôi chợt có những suy nghĩ về hòa bình với những dự định tương lai, tuy không rõ nét vì vẫn phải lo bám hàng quân với chiếc ba lô ba chục ký và lỉnh kỉnh súng đạn.

Đêm hôm đó, nằm trên võng mà tôi không sao ngủ được. Tin Hiệp định Pa-ri được ký, rồi không khí hành quân cùng những lời bàn tán khi chiều khiến tôi bồi hồi và nghĩ mông lung. Tôi chợt nhớ lại ngày đầu nhập ngũ, ngày 23-9-1972. Quê ở Đông Anh, Hà Nội nhưng lúc đó tôi đang học Khoa Địa, Đại học Tổng hợp. Trường sơ tán ở Bắc Giang nên tôi nhập ngũ cũng ở Bắc Giang.

Cùng vào Trung đoàn 568 đợt ấy còn có gần bốn trăm anh em, hầu hết là sinh viên các Trường Bách Khoa, Kinh tế và Tổng hợp. Sau khóa huấn luyện tân binh ở Mai Sưu, huyện Lục Ngạn – nơi mà cánh lính sinh viên vẫn gọi tếu là một thành phố của  Liên Xô (cũ) - lái đi là: Maisưugrat.

Chúng tôi nhận nhiệm vụ vào Nam chiến đấu. Ngày  nhập ngũ, chiến tranh còn ác liệt nên buổi chia tay, cùng với những lời động viên, dặn dò thì cũng còn rơi biết bao nước mắt của mẹ cha, họ hàng và bè bạn.  Hơn 3 tháng sau, ngày 3-1-1973, trước những lời dặn dò, động viên và những giọt nước mắt tiễn chúng tôi lên đường ra chiến trường thì trong tôi đã định rõ quyết tâm, phải chiến đấu, lập công để không phụ lòng người thân! Vậy là mình đã nhập ngũ được 4 tháng 4 ngày. Chưa vào đến chiến trường đã hết giặc!…

Nhớ lại lúc tối, khi anh bạn Chu Đức Tính hỏi: “Tân này, cậu có tin là đã hòa bình không?”. Tôi trả lời lưỡng lự: “Khó lắm”. Rồi hai đứa nhỏ to với nhau về chuyện đã hòa bình hay chưa. Anh Tính vốn là sinh viên Khoa Sử, cùng trường với tôi (sau này anh về học tiếp và làm đến Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, rồi nghỉ hưu), lại làm liên lạc đại đội nên nguồn tin và suy luận nghe cũng thuyết phục. Chúng tôi cùng chung một nhận định theo cách suy luận thật đơn giản, rất lính và cũng rất sinh viên: Hiệp định đã ký nhưng chưa có hòa bình. Bởi nếu thực sự có hòa bình thì cần gì phải dồn quân vào gấp thế này…

Những ngày sau đó, chúng tôi vẫn miệt mài với điệp khúc ngày đi, đêm nghỉ bằng đôi chân phồng rộp, tứa máu. Nhiều khuôn mặt sạm đi vì nắng gió, vì những trận sốt rét rừng. Hơn ba chục ký đeo trên người cứ nhẹ dần. Số ruốc, lương khô… tiêu hao chẳng nhẹ bớt là bao nhưng quân trang mang theo thì cứ giảm dần do bị đem vào dân đổi lấy thức ăn, với cái lý có vẻ rất “hợp lý”: Đổi quân trang cá nhân mình được phát lấy thực phẩm về ăn để có sức hành quân vào chiến trường… Không chỉ có gian khổ, thiếu thốn, ngay trên đường hành quân, đơn vị vẫn bị những trận bom của không quân địch. Nhiều đồng đội tôi đã hy sinh trước khi được giao cho đơn vị chiến đấu.

Đầu tháng 7-1973, chúng tôi tới Cà Tum, đơn vị được BTL Miền tạm giao cho Đoàn hậu cần 220 sử dụng làm cầu Đại Thắng. Mãi đến đầu tháng 12-1973, Đoàn 2004 mới được giao cho Trung đoàn 271 ở Bù Bông. Tôi được biên chế về Đại đội 2, Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn và được tham gia chiến đấu ngay trong tháng 12 năm ấy. Từ những trận đánh lẻ tẻ chống lấn chiếm, đòi lại đất, đơn vị tôi đã được tham gia nhiều trận đánh lớn ở miền Đông Nam Bộ cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Vậy là sau hơn hai năm từ ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết cho đến ngày toàn thắng, vẫn có đồng đội tôi đổ máu, hy sinh!

Quang Huy

(Ghi theo lời kể của CCB Nguyễn Văn Tân)