Gia đình anh Rơ Châm San ( xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) thoát nghèo nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH.
Sau hơn 16 năm đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách, hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Những năm qua, Nhà nước đã huy động trên 200.000 tỷ đồng để dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay thông qua hoạt động của Ngân hàng CSXH. Đến nay, hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH đã bao phủ đến 100% xã phường trong cả nước với 10.932 điểm giao dịch, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo một cách thuận tiện nhất, ít phiền hà nhất, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... Một số tỉnh, thành phố có nguồn vốn ủy thác nhiều như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Cần Thơ, Đồng Tháp, Gia Lai, Quảng Nam...
Cùng với phát triển theo bề rộng, Ngân hàng CSXH không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động theo chiều sâu.Từ 3 sản phẩm đơn lẻ ban đầu, đến nay, Ngân hàng CSXH đã xây dựng được chuỗi các sản phẩm tín dụng gồm 22 chương trình và các chương trình mang tính cấp thiết như xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt ở miền Trung, làm nhà vượt lũ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra hiệu quả KT-XH rất lớn. Thông qua các hoạt động tín dụng, Ngân hàng CSXH đã giúp hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho gần 3,6 triệu lao động, hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Cũng từ nguồn vốn này, gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 540.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung được xây dựng; trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài... Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống Ngân hàng CSXH giảm mạnh, nay chỉ còn 0,81%. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng. Hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH cũng đã tạo điều kiện cho các tổ chức CT-XH tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động… Hiện nay, có 4 tổ chức CT-XH trong cả nước đang phối hợp với Ngân hàng CSXH tham gia quản lý 166.660 tỷ đồng, trong đó: Hội Phụ nữ quản lý 65.633 tỷ đồng (chiếm 39,4%); Hội Nông dân quản lý 53.438 tỷ đồng (chiếm 32%); Hội CCB Việt Nam quản lý 26.300 tỷ đồng (chiếm 15,8%); Đoàn Thanh niên quản lý 21.289 tỷ đồng (chiếm 12,8%)… Điều đáng nói là, qua thực tế hoạt động vay vốn ủy thác, Hội CCB các cấp trong cả nước luôn được đánh giá cao. Có thể nói, Ngân hàng CSXH chính là điểm tựa cho nhiều hộ thoát nghèo. Việc tập trung huy động vốn và giải ngân các chương trình tín dụng chính sách ngay từ những ngày đầu năm 2019 đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 52.000 lao động, trong đó hơn 1.100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, từ đó góp phần cải thiện kinh tế gia đình ở trong nước; giúp gần 5.500 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 256.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 1.800 căn nhà cho các đối tượng chính sách…
Đến cơ sở, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay thực tế cuộc sống người dân từ sự hỗ trợ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo Ngân hàng CSXH huyện Chư Pah (Gia Lai) nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 15,41%. Gia đình anh Rơ Châm San (làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, Chư Pa) vốn thuộc hộ nghèo. Năm 2004, anh San vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mua 2 con bò cái sinh sản; do chăm sóc tốt, đàn bò đã phát triển lên 13 con, trả hết nợ và mua được 3 sào đất trồng cà phê, 4 sào lúa nước, trở thành hộ khá nhất nhì làng Kênh… Về Quế Phong (Nghệ An), nhiều người biết đến gương thương binh Hà Xô Viết ở bản Na Sai, xã Hạnh Dịch là hộ rất khó khăn. Năm 2004, từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH huyện, ông mua 3 con trâu sinh sản. Hiện nay, ông Viết đã có đàn trâu trên 20 con, 1 ha quế; 3 ao cá trên 600m2… Không chỉ trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà ở hầu hết các địa phương khác có rất nhiều hộ sử dụng vay vốn hiệu quả, từ đó thoát được đói nghèo và vươn lên làm giàu. Ngân hàng CSXH – điểm tựa vững chắc cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
THU TRANG