Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc tăng lương không kéo theo tình trạng tăng giá tùy tiện? Đây là nỗi băn khoăn của không ít người sau những biến động về tỷ giá, điện, xăng, dầu…
Đối với việc thực hiện lộ trình giá thị trường, việc điều chỉnh lương tối thiểu, vấn đề đặt ra là cần ngăn chặn tình trạng “té nước theo giá, tát nước theo lương” để giảm thiểu tác động đến công cuộc kiềm chế lạm phát hiện nay.
Có thể nhận thấy, việc tăng lương tối thiểu ít ảnh hưởng tới CPI. Tiến sĩ Nghiêm Văn Bảy, chuyên gia tài chính-tiền tệ thuộc Học viện Tài chính cho biết, bản chất của việc tăng lương không phải là phát hành thêm tiền. Thực tế tại Việt Nam, những lần tăng lương tối thiểu đều ít tác động đến mặt bằng giá cả những tháng sau đó. Chẳng hạn, tháng 1-2009, sau một giai đoạn lạm phát rất cao của 2008, Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu của người lao động lên mức 650.000 đồng, CPI tháng 1-2009 chỉ tăng 0,32%. Đến tháng 5-2010, khi lương tối thiểu được điều chỉnh lên 730.000 đồng, CPI của 3 tháng sau đó được đánh giá là giai đoạn thấp năm (dao động 0,06-0,23%). Với những tiền lệ như vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc tăng lương tối thiểu trong năm 2011 sẽ ít gây tác động lên mặt bằng giá, hoặc nếu có, cũng không kéo dài.
Mỗi khi lương tối thiểu chuẩn bị tăng, nhiều loại hàng hóa lại rục rịch tăng giá, thậm chí tăng trước cả khi lương tăng. Vào thời điểm tăng lương lần này, cùng với việc giá xăng vừa được điều chỉnh tăng thêm 2.000 đồng/lít, lên 21.300 đồng/lít (từ ngày 29-3) tiếp tục tác động đến giá thành nhiều mặt hàng, không chỉ các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh giá cước mà hầu hết mặt hàng như gas, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm… đồng loạt tăng giá.
Tình trạng “té nước theo mưa” thường xảy ra trong các lần điều chỉnh giá, điều chỉnh lương trước đây, thậm chí còn “vượt trước đón đầu”. Tình trạng này không chỉ làm cho việc điều chỉnh lương bị giảm ý nghĩa thực tiễn, mà còn làm cho vòng xoáy “lạm phát - tăng lương- lạm phát”… tiếp tục diễn ra, gây tâm lý bất ổn.
Một điều dễ nhận thấy là tỷ trọng chi phí trong sản phẩm của mặt hàng tăng do Nhà nước cho phép sẽ làm giá sản phẩm tăng nhưng chỉ trong phạm vi cố định. Chẳng hạn, đối với mặt hàng A, chi phí xăng dầu chiếm 10%; khi xăng tăng 30%, thì giá của mặt hàng đó chỉ được tăng 3%.
Thực tế những ngày vừa qua, có một số mặt hàng đã tăng giá vượt quá tốc độ tăng giá xăng, giá điện - đó không chỉ là sự lợi dụng kiếm lời, mà còn đi ngược lại với chủ trương về kiềm chế lạm phát của Nhà nước.
Để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, quản lý tốt giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá. Về lâu dài, cần đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối hiện đại, chợ đầu mối, tạo thành kênh phân phối hiệu quả.
Dương Sơn