PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh

Về phê phán, phủ nhận bản Hiến pháp mới
Hiến pháp là đạo luật gốc quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng của một quốc gia, cho nên theo họ, muốn làm thay đổi được thể chế chính trị của quốc gia ấy thì cần phải thay đổi đạo luật gốc. Vì vậy, các thế lực cơ hội, thù địch xác định: phải tập trung sức làm phân tâm được số đông quần chúng nhân dân và hướng họ không đi theo, hoặc phản đối bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, sẽ là cơ sở quan trọng để thay đổi thể chế chính trị, đưa Việt Nam theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Họ tuyên bố “đây là sự “sống còn” với tất cả những ai, dù còn là cộng sản, đưa đất nước phát triển trên nền tảng dân chủ, tự do thật sự”.
Trong suốt quá trình xây dựng bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và đặc biệt là trong thời gian lấy ý kiến nhân dân góp ý vào bản Dự thảo, các thế lực cơ hội, thù địch đã huy động cả lực lượng trong và ngoài nước ra sức tuyên truyền, tác động, hướng chúng ta theo mục tiêu của họ. Họ luôn nhấn mạnh: “Vấn đề trọng tâm của đất nước hiện nay là dân chủ hóa, thoát khỏi độc tài, toàn trị”. Đồng thời, vạch ra bước đi cần lựa chọn, có thể là “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ”, có thể tiến hành “cách mạng Nhung”, “cách mạng Hoa Nhài”… song họ tính toán rằng, cách tốt nhất vẫn là triệt để tận dụng việc xây dựng bản Hiến pháp mới để làm thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam theo mô hình tư bản chủ nghĩa. Theo họ, cách làm này ít tốn xương máu, không gây nội chiến, không kéo dài thù hận dân tộc mà vẫn đạt mục tiêu.
Theo hướng đó, họ đề cao quan điểm của Lê Hiếu Đằng, Tống Văn Công… Họ coi “đây là sự “kích hoạt” để hình thành các tổ chức đảng đối lập và các tổ chức xã hội dân sự để từng bước xây dựng xã hội công dân thay thế xã hội xã hội chủ nghĩa”. Họ coi những nhân vật này giống như “những con chuột chũi đào hang ngầm dưới đất có thể làm sụp đổ những thành trì lịch sử”!

  • Trong thời gian Uỷ ban Dự thảo tiến hành xây dựng bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, các thế lực thù địch đã tập trung vào 5 nội dung:
    Thứ nhất, đòi xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp năm 1992.
    Họ đã đưa ra các lý lẽ để đòi xóa bỏ Điều 4, cụ thể là: Đây là tư duy bảo thủ, vẫn lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, trong khi CNXH hiện thực đã cáo chung (mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ); chỉ duy trì một đảng, tất yếu dẫn đến độc tài, độc trị.
    Từ đây, họ đòi Hiến pháp phải ghi rõ “thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để xây dựng chế độ dân chủ ở Việt Nam” (72 người ký tên phản đối Dự thảo và đưa ra một bản Dự thảo của họ, đã nói rõ điều này).
    Thứ hai, bác bỏ chế độ sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước là chủ sở hữu.
    Họ cho rằng, quy định chế độ sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước là chủ sở hữu - đó là sai lầm nghiêm trọng, bắt nguồn từ việc Đảng CSVN vận dụng luận điểm Mác - Lê-nin là xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Đến nay, cộng sản vẫn không thức tỉnh, khư khư bám lấy lợi ích của một nhóm người lãnh đạo và điều hành đất nước. Và theo họ, quy định áp đặt này là nguồn gốc gây ra làn sóng khiếu kiện đất đai trong thời gian qua, điển hình là ở Tiên Lãng, Văn Giang.
    Do vậy, họ đòi: Phải khẳng định chế độ sở hữu tư nhân về đất đai và chỉ ghi trong Hiến pháp: có nhiều thành phần kinh tế bình đẳng như nhau, xóa bỏ điều khẳng định “Kinh tế nhà nước là chủ đạo”.
    Thứ ba, bác bỏ việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
    Theo họ, chỉ nói xây dựng và phát triển kinh tế thị trường, không được gắn đuôi “XHCN”, vì kinh tế thị trường là hình mẫu phát triển tư bản chủ nghĩa đem lại nhiều thành tựu cho thế giới ta phải học (Việt Nam đã gia nhập WTO, sao lại làm ngược điều đã cam kết?).
    Thứ tư, phê phán luận điểm “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN”.
    Theo họ Đảng Cộng sản đã chi phối điều hành cả hệ thống pháp luật, đứng trên pháp luật; vì vậy, con đường duy nhất đúng là thực hiện “Tam quyền phân lập”, như các nước tư bản tiên tiến đang làm.
    Thứ năm, đòi phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang nhân dân.
    Họ đòi: Quân đội và công an chỉ có trung thành với nhân dân, không thể có cái gọi là “Trung thành với Đảng”.
  • Khi Uỷ ban Dự thảo tiếp thu chỉnh lý và trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (khóa XIII) thảo luận, thông qua; các thế lực cơ hội, thù địch đã tập trung phê phán và buộc tội chúng ta.
  • Họ cho rằng, việc lấy ý kiến là “đầu voi, đuôi chuột” là “bước lùi của đất nước” là trở lại “xuất phát điểm” nên họ đòi phải kéo dài thời gian góp ý, chưa đưa ra Quốc hội (QH) lần này; đòi phải trưng cầu ý dân về những vấn đề cốt lõi của Hiến pháp. Tại thời điểm Uỷ ban dự thảo sửa đổi công bố công khai việc tiếp thu các ý kiến, thì họ buộc tội “Cộng sản luôn sửa đổi quá khứ một cách trắng trợn cho phù hợp với cộng sản”; rằng “có thể nhất thời làm nhiễu xạ lịch sử, nhưng không thể thủ tiêu quá khứ, thủ tiêu lịch sử”; đồng thời lên án ta coi thường trí tuệ và công sức của nhân dân, do vậy “không thể thay đổi được gì khi những cái đầu cầm quyền mang nặng ý thức hệ chính trị, chi phối bởi lợi ích nhóm và tầm nhìn chỉ loanh quanh nơi chân ghế”.
    Họ kêu gọi “các ĐBQH muốn không mang tiếng phản bội thì cần bỏ phiếu chống lại Dự thảo và đòi Hiến pháp phải được viết lại theo đúng tinh thần vì dân phục vụ”. Và khi thấy xu hướng có thể thông qua, họ đã quy kết chúng ta: “Việc nhanh chóng kết thúc sửa đổi Hiến pháp là do có vấn đề tư duy, ý thức hệ gắn bó trong vấn đề lập pháp và do mâu thuẫn nội bộ về đường lối”(!).

Về tiếp tục tố cáo ta
vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp những người “bất đồng chính kiến”

  • Họ ra sức ca ngợi Nguyễn Đức Kiên dũng cảm phê phán Tổng bí thư “Anh ta lưu ý: Tổng bí thư cũng nhắc đến “Ý Đảng lòng dân” thì xin hỏi đây là hai yếu tố ngang hàng hay không ngang hàng?... Không có dân nước nào, lại cứ đứng sau một đảng như thế). Họ ca ngợi Nguyễn Phương Uyên dũng cảm tuyên bố chống Đảng trước tòa án; đề cao tuyên ngôn 258 của mạng lưới bloger; đặc biệt cổ suý cho Lê Hiếu Đằng.
    Đánh giá về Lê Hiếu Đằng và những nhân vật nêu trên Hà Sĩ Phu viết: “Đây không là đột xuất, mà là tiếp nối quá trình dân chủ hóa của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức… ghi dấu mở đầu cho giai đoạn mới, trong đó điều nổi bật là một số người đã vượt qua nỗi sợ hãi do chế độ độc tài, toàn trị áp đặt nặng nề lên toàn xã hội để nói lên chính kiến của mình, ngược với quan điểm chính thống của chế độ”.
  • Một số nhân vật đã từng giữ một số chức vụ quan trọng trong một số cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước ta nay đã về hưu, kêu gọi mọi người tham gia “Diễn đàn dân sự” với mục tiêu: “nâng cao dân trí, góp phần chống đối thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”.
  • Blog Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội), Nguyễn Văn Kiệm (Gia Lai) và một số người khác kêu gọi: hãy mở chiến dịch “thoái Đảng”, “thoái Đoàn”, “thoái Đội”!

Về phủ nhận những thành tựu đổi mới về kinh tế-văn hóa

  • Nhân vật “trở cờ” Lê Hiếu Đằng đưa ra những lời kích động: “Thật sự miền Nam đã giải phóng miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng… Vì những lẽ trên, tôi phải “tính sổ” với Đảng Cộng sản một cách minh bạch và sòng phẳng” (!).
  • Nhân dịp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư lần thứ 5 (khóa VIII) về văn hóa, các thế lực cơ hội, thù địch nhận định rằng, Nghị quyết này nêu 5 quan điểm “không chuẩn” nên Nghị quyết không đi vào cuộc sống, vì vậy “văn hóa, nghệ thuật chẳng có tác phẩm nào ra hồn”. Họ quy chụp: Mục tiêu “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là thất bại hoàn toàn, vì “toàn xã hội bây giờ là cả một sự băng hoại” (!). Họ lên án Đảng CSVN đang tạo ra những rào cản trong văn hóa, văn học, nghệ thuật và vu cáo ta khuyến khích lối “phê bình chỉ điểm”, “phê bình thế hệ”, “đánh hội đồng”, vùi dập Nhã Thuyên. Họ đề cao quan điểm “khuyến khích mọi trường phái” vì “có trường phái mới làm nên nền văn nghệ lớn”. Họ đưa ra thuyết “ngoài lề”, “ngoại biên” và nhận định rằng, các học thuyết đó sẽ chuyển hóa thành “trung tâm”, đi tới “lật đổ thể chế chính trị hiện hành” (!). Và theo họ, phải khuyến khích cái “bên lề”, nâng đỡ nó để chuyển dần thành “trung tâm” của nền văn nghệ mới (đề cao Ly Đợi, Bùi Chát…).
    Theo lập luận đó, họ tung hô luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên với tiêu đề: “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa”. Luận văn lấy sáng tác của nhóm Mở miệng làm đối tượng nghiên cứu để ca ngợi, cổ suý cho thơ dơ, thơ rác, thơ tục tĩu, với ý đồ phản kháng, chế diễu lãnh tụ Hồ Chí Minh, công kích ý thức hệ, kích động sự phản kháng và kêu gọi lật đổ thể chế chính trị ở Việt Nam.
    Như vậy, ý đồ chính trị, kích động sự phản kháng để lật đổ thể chế chính trị của Đảng CSVN, phá huỷ ý thức hệ và tư tưởng Hồ Chí Minh của những người thực hiện luận văn này, không thể biện minh.
    Vì thế, cần có giải pháp đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái thù địch trong thời gian tới: Tăng cường phê phán, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch bằng những luận cứ khoa học, thực tiễn có sức thuyết phục.
    Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực cơ hội, thù địch ráo riết đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chúng ta cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đấu tranh, phản bác. Trong cuộc đấu tranh này, cần quán triệt sâu sắc quan điểm: Phê phán, phản bác, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ không tách rời trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, chống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ chúng ta. Và việc phê phán, phản bác, đấu tranh phải có sức thuyết phục, đi vào lòng người, phải bằng những luận cứ khoa học, những luận cứ từ thực tiễn mà chúng ta đã tổng kết.
    Trên cơ sở đó, có thêm những bài viết sắc sảo, có sức thuyết phục để phản bác các luận điệu của một số nhân vật cơ hội, chống đối.
    Phải bám sát phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối”.
    Hiện tại đất nước ta vẫn còn những khó khăn, bất cập tạo nên sự băn khoăn, bức xúc trong nhân dân, nhưng đây là những mảng tối trong bức tranh tổng thể với phần màu sáng chiếm phần lớn và đang lan tỏa ngày một rộng hơn. Chúng ta cần tích cực tuyên truyền về những điểm sáng đó; đồng thời góp sức “giải mã” những băn khoăn, bức xúc để thắp lên niềm tin, góp sức đẩy lùi cái ác, vun đắp cái thiện, biến cái thiện ấy trở thành trào lưu của xã hội chúng ta.
    Tăng cường đối thoại cởi mở, tạo sự tin cậy, nói rõ sự thật, bảo vệ chân lý
    Nếu không có dân chủ trong công tác tư tưởng thì chúng ta sẽ không đạt hiệu quả. Trong quá trình mở rộng dân chủ thì việc tăng cường đối thoại với các đối tượng khác nhau với cách thức phù hợp, có vai trò rất quan trọng. Việc phản biện xã hội phải được khuyến khích, nhưng phản biện với động cơ xây dựng, chứ không lợi dụng phản biện để phủ nhận sạch trơn, kích động.
    N.H.V