Giấc ngủ trưa thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi đặc biệt của cơ thể vào ban ngày, bởi sau một buổi sáng làm việc, học tập căng thẳng, bạn cần phải bổ sung nguồn năng lượng mới. Ngoài ra, trưa là thời điểm thân nhiệt có chiều hướng giảm dần, khả năng phản ứng với các vấn đề đều chậm, vì vậy một giấc ngủ trưa là rất cần thiết để cơ thể được nghỉ ngơi và lấy lại thể lực.

Khoa học đã chứng minh, nếu bạn ngủ trưa đúng, đủ và khoa học thì đó là biện pháp hữu hiệu, rất có lợi cho sức khỏe. Một giấc ngủ ngắn chừng 15-30 phút mỗi buổi trưa sẽ giúp chúng ta loại bỏ cảm giác buồn ngủ, chán chường, giúp tinh thần sảng khoái cho cả buổi chiều. Ngoài ra, giấc ngủ trưa cũng giúp cải thiện trí nhớ, tăng cường óc sáng tạo và sự tập trung, đặc biệt cân bằng lại hoạt động của não bộ và giảm stress. Tuy nhiên, bạn phải ngủ đúng cách, đừng tùy tiện gục đầu trên mặt bàn để ngủ, như thế sẽ bị ảnh hưởng đến hô hấp, đến mắt, đau hai bả vai... và như thế sẽ phản tác dụng của giấc ngủ trưa. Một lưu ý nữa cũng không nên ngủ trưa khi bạn nạp quá nhiều năng lượng, ăn quá no, ăn nhiều chất béo và tốt nhất hãy bắt đầu giấc ngủ sau khi ăn 15 phút.

Để có một giấc ngủ trưa ngon, chất lượng, đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho quá trình học tập, làm việc của buổi chiều, bạn nên cố gắng ngủ trưa vào một thời điểm nhất quán hằng ngày, điều này sẽ giúp ổn định nhịp sinh học, tận dụng được tối đa lợi ích mà giấc ngủ trưa mang lại cho cơ thể. Không ngủ nhiều, bởi nếu ngủ trưa quá dài sẽ gây ra tình trạng uể oải, mất phương hướng khi thức dậy, giảm nhu cầu ngủ vào ban đêm. Tắt các thiết bị điện và dùng một chiếc chăn mỏng để đảm bảo giấc ngủ ngon.

Để tránh uể oải sau giấc ngủ ngắn, bạn nên đứng dậy ngay để đánh thức cơ thể thông qua chuyển động hoặc tiếp xúc với ánh sáng.

Như vậy, dù bận rộn thế nào bạn cũng nên ngủ trưa vì giấc ngủ trưa dù ngắn nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Hải Tiến