CCB Bùi Văn Quảng hướng dẫn nhân viên bày cỗ cưới
Sau đợt dịch tôi trở lại Nhà hàng Văn Quảng tại số 99, đường Man Thiện, phường Hiệp Phú (Thủ Đức, T.P Hồ Chí Minh). Sau 2 năm chống chọi với dịch Covid- 19, nhà hàng nay đã ổn định và phát triển nhờ nghị lực của người chủ - CCB Bùi Văn Quảng. Ông say sưa kể cho tôi nghe việc thành lập nhà hàng và nhất là cuộc phục hồi kinh doanh sau thời gian vật lộn với dịch trong muôn vàn khó khăn chồng chất, có lúc tưởng chừng phải đóng cửa.
CCB Bùi Văn Quảng có 7 năm chiến đấu tại Campuchia, sau khi rời quân ngũ, ông chuyển ngành làm việc tại nhiều cơ quan khác nhau, năm 2014, ông nghỉ hưu với đồng lương ít ỏi, đời sống khó khăn. Sau bao ngày suy nghĩ, ông quyết định xây dựng cơ sở nấu ăn Văn Quảng trên mảnh đất 50m2, nhà cấp 4, lợp tôn do cha mẹ để lại. Ông làm đơn và được Hội CCB phường Tăng Phú A cho vay 10 triệu không lấy lãi làm vốn. Khi nói về việc vay vốn, ông bùi ngùi: “Tôi rất biết ơn Hội và ông Trần Quang Hải - Chủ tịch lúc bấy giờ đã tạo điều kiện ban đầu, trong lúc trên địa bàn cũng còn hàng trăm CCB cũng có hoàn cảnh khó khăn”.
Ban đầu cơ sở này chỉ nấu ăn phục vụ người nghèo, sinh viên ở trọ và công nhân xây dựng. Bằng sự cần cù chăm chỉ, trung thực, cơ sở của ông Quảng ngày càng uy tín. Sau thời gian tích cóp được một ít vốn, trả xong nợ, ông quyết định mở rộng quy mô kinh doanh và chuyển hướng sang nấu ăn tiệc cưới - đó là một quyết định đúng đắn. Bởi nơi đây chủ yếu dân lao động thập phương trú ngụ, đời sống kinh tế khó khăn nên khi tổ chức cưới cho con cái không thể đến các nhà hàng lớn nên nhờ vào nhà hàng này vừa bình dân vừa ở trung tâm khu dân cư. Từ chỗ chỉ nấu vài ba mâm cho lễ ăn hỏi, đến lúc có nhiều người thuê, nhà hàng nâng dần lên hàng chục mâm, cho đến nay trung bình mỗi ngày nhà hàng nấu hơn 100 bàn cỗ cưới, với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Tiếng lành đồn xa, Nhà hàng Văn Quảng không chỉ phục vụ trên địa bàn Tăng Phú A, Hiệp Phú mà đã phục vụ sang địa bàn khác. Hiện nay, nhà hàng thường xuyên có 40 nhân viên tay nghề cao, lương 15 triệu đồng/người/tháng.
Khi sản xuất ổn định, ông Quảng luôn nghĩ về Hội CCB giúp đỡ lúc khó khăn nên đã nhận các CCB, CQN vào làm công; bố trí cho hàng trăm sinh viên là con em CCB đến nhà hàng làm việc vào thứ bảy, chủ nhật với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Đối với ông, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn trong suy nghĩ và bằng hành động thiết thực, hiệu quả. Hằng năm, ông Quảng đóng góp từ 250 triệu đồng trở lên cho công tác từ thiện giúp đỡ người nghèo. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, nhà hàng tạm đóng cửa nhưng ông vẫn hỗ trợ phường Hiệp Phú và Tăng Phú A mỗi nơi 60 triệu đồng. Đặc biệt, khi bộ đội đến hỗ trợ chống dịch, hằng ngày nhà hàng nấu 50 suất cơm cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Đồng thời, ông Quảng động viên mọi người tích cực làm việc thêm giờ để nấu 3.000 suất cơm/tháng cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Lê Văn Việt.
Khi nói về CCB Bùi Văn Quảng, đồng chí Trần Thị Thu Hoài - Chủ tịch UBND phường Tăng Phú A nhận xét: “CCB Bùi Văn Quảng là con người mẫu mực trong cuộc sống thường ngày, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xã hội, không chỉ giúp đỡ hội viên Hội CCB mà còn ủng hộ tích cực hoạt động của các tổ chức xã hội, chính trị trong phường với số tiền gần 200 triệu đồng”.
Ngoài những đóng góp thường xuyên, CCB Bùi Văn Quảng còn ủng hộ 50 triệu đồng để sửa chữa nhà cho 2 CCB có hoàn cảnh khó khăn, giảm 50% tiền thuê nhà cho công nhân và sinh viên với số tiền hơn 120 triệu đồng. Ông Trần Phương Hồng - Chủ tịch Hội CCB phường Tăng Phú A đánh giá: “CCB Bùi Văn Quảng là hội viên Hội Doanh nhân CCB Việt Nam, người có kinh nghiệm kinh doanh nên ngoài việc ủng hộ tiền, ông còn giúp nhiều người cách làm ăn nhằm giảm nghèo, phát triển kinh tế, ai cần ông cho vay tiền lãi xuất thấp, tạo điều kiện cao nhất cho mọi người cùng vươn lên làm giàu chính đáng. Với những thành tích trên, từ năm 2014 đến nay, CCB Bùi Văn Quảng luôn được tặng Bằng khen các cấp, năm 2021, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua do Hội CCB T.P Hồ Chí Minh trao tặng”.
Nguyễn Hồng Thái