Chiếc xe ba bánh đã giúp anh làm nên cuộc sống mới.
**Luyện đi bằng tay
**Tôi gặp thương binh Đinh Văn Cảnh trong ngôi nhà 3 tầng nằm trên quốc lộ 1A. Đây cũng là cửa hàng anh sửa chữa xe lăn cho người khuyết tật.

Thấy có khách, anh Cảnh đang sửa dở chiếc xe máy vội dừng tay, thoăn thoắt nắm lấy hai chiếc ghế gỗ đi lại bằng tay rồi thoăn thoắt “bước” lên bàn đun nước pha trà mời khách rất thành thục.

Vừa pha trà, anh vừa chầm chậm kể lại lần anh bị vấp mìn của quân Pol Pot trên đất bạn Cam-pu-chia vào tháng 9-1983.

Thương binh Đinh Văn Cảnh luôn làm mọi việc bằng chính đôi tay của mình.

Trận đánh đó, sau tiếng nổ chát chúa, anh nằm bất động với đôi chân nát bét đến tận bẹn. Không ai nghĩ anh có thể qua khỏi để về trạm phẫu tiền phương. Nhưng với nghị lực phi thường, anh Cảnh đã vượt qua được cơn nguy kịch và được chuyển về Quân y viện 175, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chữa trị.

Với thương tật 1/4 cụt cả hai chân, cứ trở trời là vết thương tái phát làm anh đau đớn vô cùng. Nhưng anh vẫn dồn hết nghị lực tập đi bằng đôi tay để không trở thành gánh nặng cho người khác. Rồi dần dần anh cũng tự đi lại thành thạo bằng tay. Anh lại nghĩ đến các chiêu thức luyện võ dành cho người khuyết tật, kết hợp với tự xoa bóp, bấm huyệt để đủ sức khỏe làm chủ bản thân mình.

Không chỉ rèn luyện cho mình, anh còn hướng dẫn cho cả những thương binh khác đang điều dưỡng cùng tập luyện. Có hàng chục thương binh bất lực với thương tật nằm một chỗ đã vùng dậy rèn luyện theo gương anh.

Vết thương ổn định, anh Cảnh được chuyển về Khu điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An. Ở khu điều dưỡng được vài ngày, không chịu nổi cảnh bản thân được phục vụ mọi thứ, nên anh làm đơn, ký cam kết xin về quê với bố mẹ già. Anh tâm sự:

  • Lúc đó tôi chỉ nghĩ phải về quê. Còn về làm gì thì tính sau.

Người khuyết tật giúp người khuyết tật

Về quê, anh Cảnh phải tìm cách làm ăn vì bố mẹ già lại đau yếu, các em đang tuổi học hành. Với chiếc xe lắc tay 3 bánh được Nhà nước cấp, hàng ngày anh ra chợ gặp gì buôn bán nấy. Có hôm anh đi tắt lối cánh đồng thì gặp trời mưa, hàng trên xe nặng, gặp bùn lầy không thể đi được, vậy là dầm mưa suốt đêm, may có người đi soi ếch phát hiện, giúp đưa về. Đợt đó, vết thương tái phát làm anh ốm mất mấy tuần liền.

Sau đợt ốm, trong đầu anh Cảnh luôn thường trực ý tưởng phải “gióng”ra chiếc xe máy lùi được để thuận tiện cho việc đi lại. Ngày trong Quân đội anh đã học ở trường kỹ thuật, nên cũng biệt về cơ khí, máy móc. Thiếu đâu, anh đọc sách tìm hiểu thêm.

Muốn cải tiến được chiếc xe máy chỉ có tiến, nay có thêm chức năng lùi như xe ô tô thì khó nhất là kinh phí để mua linh kiện, mà hiện tại anh lại không có tiền, đi vay thì cũng không phải dễ. Thế là anh tạm gác ước mơ, lao vào buôn bán tích cóp được đồng nào mua linh kiện ngần ấy. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, sau hơn 1 năm anh mua đủ linh kiện và chính thức bắt tay vào cải tiến chiếc xe máy mà không kể ngày, đêm, thậm chí quên ăn, quên ngủ. Sau gần một năm nữa, với nhiều lần thử nghiệm chiếc xe 3 bánh cài hộp số lùi như mong muốn của anh được hoàn thành.

Hôm anh chính thức đi chiếc xe ba bánh số tự động chạy trên đường làng nhiều người đã trầm trồ thán phục nghị lực của người thương binh này. Có “đôi chân” mới, anh cũng thuận lợi hơn trong việc đi lại buôn bán.

Thấy anh đi xe, nhiều thương binh, người khuyết tât có cùng hoàn cảnh đến nhờ anh dóng xe cho. Anh nhận lời. Lắp ráp một chiếc, hai chiếc... Nhìn những người có cùng hoàn cảnh vui sướng đi trên chiếc xe ba bánh, anh cũng như khỏe ra. Và anh đã quyết định bỏ buôn bán ngoài chợ về chuyên lắp xe bán cho người tàn tật.

Để thuận tiện cho người sử dụng, ngoài xe máy anh còn lắp xe tay, xe lắc, xe điện... phù hợp cho từng đối tượng. Thế là hàng trăm “đôi chân” do chính người thương binh Đinh Văn Cảnh tạo ra đã giúp những thương binh, người khuyết tật khác hòa nhập được với cộng đồng; thậm chí nhiều người tự lao động làm ra của cải vật chất, trở thành những triệu phú như anh Huynh, anh Dũng ở Diễn Châu, anh Hùng ở Đô Lương...

Cảm phục trước ý chí của anh thương binh Đinh Văn Cảnh, chị Phạm Thị Lai, quê xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu “đẹp người, đẹp nết”, kém anh 12 tuổi đã đem lòng yêu mến. Rồi một đám cưới đã diễn ra như một thiên tình cổ giữa người con gái xinh đẹp với người thương binh cụt hai chân. Chị Lai nói với tôi:

  • Nhiều lần gặp anh đi sửa và lắp xe cho người khuyết tật, tôi rất khâm phục. Rồi tôi mang lòng yêu thương anh. Tình yêu giúp chúng tôi vượt qua tất cả những khó khăn. Bây giờ tôi không chỉ có anh, có cơ ngơi khang trang mà còn có 4 đứa con đều khôn lớn khỏe mạnh. Hai cháu gái đầu đang học Đại học Y dược Huế và Học viện Ngân hàng.

Nguyễn Xuân Hòa