CCB Vũ Lương kể: Tôi sinh ra ở làng Yên Thái, Tây Hồ (Hà Nội), 17 tuổi được tuyển vào Đoàn văn công của Đại đoàn 351 pháo binh. Đội của chúng tôi có 15 người (trong đó có 5 chị em nữ) nhưng phải đảm nhiệm cả hát, múa, nhạc, kịch... không có chuyên sâu như bây giờ. Đi Chiến dịch Điện Biên Phủ chúng tôi được cấp ba lô, quân tư trang, lựu đạn, cuốc, xẻng... như các anh bộ đội xung kích. Ngoài những tiết mục như "Múa lượn", "Múa sạp", "Múa xòe hoa", "Múa Tấm Cám", bài hát "Đèo Pha Đin" và các làn điệu dân ca... chúng tôi được cấp cả những tập tranh ảnh về chiến thắng trong các chiến dịch trước, về bà con nông dân được chia ruộng, tài sản trong cải cách ruộng đất, tranh ảnh của các nước bạn Liên Xô, Trung Quốc... Tại mặt trận, Đoàn văn công được chia nhỏ từng tổ, phục vụ lần lượt từng khẩu đội từ pháo mặt đất đến pháo phòng không. Trời thường mưa tầm tã, đường hào, trận địa bùn sâu tới gối, chúng tôi vẫn hát, múa, kể chuyện vui, xếp tranh ảnh lên ba lô, bờ chiến hào cho bộ đội xem. Những lúc máy bay địch ném bom, pháo địch bắn vào trận địa, chúng tôi cũng chiến đấu, vác đạn, cứu thương, đào hầm, che chắn bảo vệ pháo và tài sản của đơn vị. Cứ thế, quần áo của chúng tôi bằng vải phin bị mưa ướt, lao động nặng, nên bị rách. Một lần có đồng chí chỉ huy đơn vị xem chúng tôi biểu diễn, thấy mấy chị em áo quần bị rách vai, hở gối nên đã điện về phía sau: "Mang 5 bộ quần áo cho VC" (VC là văn công). Chúng tôi mừng quá, nhưng ở tuyến sau lại hiểu nhầm "VC" là "cố vấn" nước bạn, nên gửi ra 5 bộ quần áo rộng thùng thình, không ai mặc vừa, đành phải trả lại.

Khi quân ta tiến công đợt 2, chúng tôi phục vụ một khẩu đội pháo 105 ly ở trong hầm, nóc xếp gỗ tròn đổ đất dày, ba phía kè kín, chỉ có hướng nòng pháo bắn ra là quan sát được. Khẩu đội có 7 người, khi các anh chiến đấu, chị em chúng tôi đứng cạnh để động viên bằng những câu hát, kể chuyện vui...

Anh Thành rất trẻ và đẹp trai, thích nghe chị Tý đọc thơ và cũng rất quý tôi. Anh thường nhặt những hạt đất bám trên tóc tôi và gắp cho tôi miếng đọt măng rừng ngon nhất trong bữa ăn. Sau ít ngày chúng tôi chuyển đi phục vụ một đơn vị khác thì được tin khẩu đội pháo 105 ly bị trúng đạn phản pháo của địch, cả 7 pháo thủ đã anh dũng hi sinh. Khi chúng tôi trở lại thì các anh đã được mai táng. Chị em nhặt hoa dại đặt lên từng ngôi mộ đẫm nước mưa rồi ôm nhau khóc.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bà Vũ Lương chuyển về Đoàn văn công Tổng cục chính trị, là diễn viên hát và múa, tiếp tục mang lời ca, điệu múa động viên bộ đội, nhân dân trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau này. Bà nghỉ hưu năm 1987, gia đình ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy tuổi cao nhưng tiếng hát của bà vẫn trẻ trung. Bà thường tham gia biểu diễn văn nghệ của Hội CCB ở cơ sở, góp phần xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương. Bà tâm sự:

- Tôi vẫn khóc mỗi khi nhớ lại khẩu đội pháo 105 ly trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Cứ muốn hát, múa mãi về cho các anh, cho những chiến sĩ đã hi sinh để có ngày tòan thắng.

Nguyễn Chí Thành