Bản chú dẫn về tiểu sử Võ Nguyên Giáp của Giăng Xanh-tơ-ny ghi ông sinh năm 1912. Cuốn sách của Gioóc Bu-đa-ren “Tướng Giáp”, xuất bản tại Paris năm 1977, ghi ông sinh năm 1910. Trong tạp chí “Thời sự Chủ nhật” số ra ngày 5-11-1972, Giêm Phốc viết ông sinh ngày 1-9-1910. Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, NXB QĐND năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911… Theo bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng thì “Ông nhà tôi tuổi Hợi – Tân Hợi”. Như vậy, ông sinh năm 1911.

Theo phong tục Việt Nam, tính cả tuổi mụ trời cho, đến ngày 25-8-2010, con, cháu, chắt… đã có thể mang áo đỏ, khăn điều cung tiến chúc mừng Cụ lên tuổi đại thọ bách niên. Đảng viên, cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, bộ đội đương nhiệm hay đã là CCB vui sướng chúc mừng Anh Văn hưởng lộc trời cho đang sống lâu 100 tuổi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thích được gọi bằng cái tên thân mật: Anh Văn. Tên gọi Văn chính là do Bác Hồ đặt. Bác biết, trước khi thoát ly đi làm cách mạng, Anh đã là nhà giáo, nhà báo, là Chủ tịch báo giới Bắc Kỳ, nên khi giao nhiệm vụ, Bác bảo: “Chú Văn! Chú đã có văn, bây giờ cách mạng cần võ, chú nghiên cứu võ nhiều vào”.

Người học trò xuất sắc của Bác Hồ đã dùng cái tên ấy suốt trên đường đời cách mạng, trong quan hệ chỉ huy và ứng xử giữa cấp trên và cấp dưới, cả trong những bức mật điện gửi ra chiến trường, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Cán bộ chỉ huy các cấp của toàn quân cũng kính trọng và trìu mến đối với Anh Văn cả khi chấp hành mệnh lệnh hay giao tiếp thân mật. Quân đội ta tôn vinh Anh là người Anh Cả của QĐND Việt Nam. Bác Hồ cũng thấy “Gọi như thế là hợp với lòng người”.

Ba mươi năm cầm quân đánh giặc, lúc sức ta còn yếu, Anh dùng lối “đánh chắc, tiến chắc” để giành thắng lợi một cách chắc chắn. Khi lực ta đã mạnh hơn địch, Anh yêu cầu “thần tốc, thần tốc hơn nữa” để đánh nhanh thắng nhanh, không cho quân thù kịp hồi sức, trở tay. Khi đã đánh thắng “hai đế quốc to”, Anh kịp thời đúc kết bài học thành công thành di sản để lại cho đời sau, còn giúp ích cho các dân tộc bị áp bức phương sách chống lại bạo lực cường quyền phản động để giành tự do. Đó là sự cống hiến quý báu vào kho tàng tri thức quân sự cho loài người đương đại.

Ta còn di dưỡng một quan niệm truyền thống là “cái quân định luận” nên ở nước ta chưa ai viết sách về những nhân vật lịch sử khi họ đang còn sống. Tuy nhiên đối với Anh lại dường như một biệt lệ. Các nhà chính trị, tướng lĩnh, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, nhà sử học… cả ở trong nước và nước ngoài đã viết hàng vạn trang sách ca ngợi tài năng xuất chúng, trí tuệ siêu việt của Anh.

Những địch thủ bị ta đánh bại, đã không oán hận mà còn tỏ ra thán phục bản lĩnh, tài năng và trí tuệ tướng Giáp. Tướng Pháp Lơ- cléc, trước khi qua đời vẫn dặn con gái phải sang Hà Nội trao tận tay tướng Giáp, bức thư trần tình rằng ông ta thực lòng không muốn khai diễn chiến tranh Việt - Pháp năm 1946, mà vì lúc đó “phe chủ chiến trong chính phủ Pháp thắng thế”, buộc ông ta phải làm theo. Tướng Đờ Cát-xtơ-ri bị đánh bại ở Điện Biên Phủ vẫn nói: “Tôi thừa nhận tướng Giáp sành sỏi binh nghiệp, khôn ngoan tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả các tướng Cô-nhi và Na-va của chúng tôi. Tôi hân hạnh được làm kẻ chiến bại của một người tài giỏi như tướng Giáp”. Viên thiếu tá J. Bi-gia, chỉ huy tiểu đoàn dù thuộc địa số 3 nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20-11-1953 (sau ba lần hoãn) cho tới khi mang lon đại tướng trọng trách trong Bộ Quốc phòng Pháp vẫn hối tiếc: “Giá hôm ấy (20-11) trời mưa to ở thung lũng Mường Thanh thì nước Pháp đã không bẽ mặt với tướng Giáp ở Điện Biên Phủ”.

Tướng Mỹ Oét-mo-len thừa nhận: “Bao nhiêu đức tính làm nên một thống tướng vĩ đại đều có ở tướng Giáp. Đó là một vị tướng lỗi lạc”. Cuối năm 1995, phái đoàn của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Na-ma-ra đối thoại với tướng Giáp cũng nói: “Ngài là vị tướng huyền thoại, thống tướng 5 sao”. Còn tướng Pi-tơ Mc. Đô-nan, nhà sử học quân sự người Anh từng gặp tướng Giáp năm 1992 cũng thừa nhận: “Võ Nguyên Giáp là bậc thấy về chiến tranh du kích, là tổng chỉ huy vĩ đại nhất mọi thời đại, tỏ ra xuất chúng trong suốt cả chiến tranh Đông Dương”.

Bầu bạn ta trên trường quốc tế, khen ngợi Việt Nam đều nêu danh Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp. Hồ Chí Minh là Tổng tư lệnh của cách mạng Việt Nam, Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh các LLVTND Việt Nam, là uy danh rạng rỡ của dân tộc Việt Nam.

Toàn dân ta gọi Anh là Đại tướng số một. Toàn quân ta gọi Anh là Tổng tư lệnh vừa của sự sống, vừa của chiến thắng. Cán bộ dưới quyền gọi Anh là tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy, tướng của các tướng. Toàn quân ví Anh như cây đa rợp bóng tình yêu thương đồng đội.

Với sự nghiệp cách mạng, Anh luôn luôn hết lòng và khuyên bảo mọi người “dĩ công vi thượng” và cống hiến hết mình. Do đó, Anh đã trở thành một yếu nhân lịch sử tài cao, đức trọng, văn võ song toàn...

Lịch sử đã ghi nhận Anh là một trong những học trò gần gũi và xuất sắc của Bác Hồ. Lịch sử càng thán phục sự sáng suốt, khéo chọn và sử dụng người tài của Bác Hồ đã chọn ra Anh và Anh đã tỏ ra rất xứng đáng với sự tin cậy ấy. Anh đã bước sang tuổi bách niên, lứa tuổi xưa nay cực kỳ quý hiếm. Ở cái tuổi ấy, mọi người không mong mỏi Anh tiếp tục cống hiến, mà chỉ ao ước Anh tiếp tục trường thọ, làm tấm gương sống khích lệ mọi người, làm bông hoa thắm sắc tỏa hương thơm cho dân tộc, cho Đảng, cho quân đội, cho đời…

Cao Nham