Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, năm 2015, toàn quốc ghi nhận 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc, trong đó 23 trường hợp tử vong. So với năm 2014, giảm 22 vụ ngộ độc thực phẩm (chiếm 11,4%), giảm 237 người mắc (khoảng 4,6%) và giảm 19 người tử vong (chiếm khoảng 45,2%).
Nghị quyết, chỉ thị, thông tư và còn có cả một Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm lần lượt ra đời và được xem là “vũ khí” sắc bén cho “cuộc chiến” với thực phẩm bẩn. Nhưng đi liền với sự phát triển khi Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm ra hàng chục nước trên các thị trường thế giới và có nhiều sản phẩm luôn đứng ở tốp đầu như gạo, chè, thủy sản… thì tình trạng mất VSATTP ở trong nước cũng là vấn đề nổi cộm mà các cấp chính quyền cùng cả cộng đồng quan tâm. Bởi vậy mà chủ đề của Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18 năm 2016, là “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Theo thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, bình quân chi phí cho lương thực, thực phẩm tại một số đô thị lớn của nước ta là gần 1 triệu đồng/người/tháng. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là khoảng 85% người tiêu dùng mua thực phẩm qua chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm, các cửa hàng bán lẻ ven đường. Chỉ khoảng 15% người dân mua sắm qua siêu thị, cửa hàng tiện ích. Thực phẩm bán tại chợ tạm, chợ cóc, vỉa hè thường rất khó kiểm soát nguồn gốc, đó là những thực phẩm trôi nổi, hàng kém chất lượng, hoặc nhiễm hóa học. Cách mua sắm truyền thống này đang vô tình tiếp tay cho thực phẩm bẩn tồn tại.
VSATTP đang là vấn đề nổi cộm hiện nay của nhân dân. Giám sát là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận và đã được làm nhiều năm nay nhưng giám sát về VSATTP lại là một việc rất thực tiễn, mới và khó. Năm 2016, chọn giám sát về VSATTP, đồng nghĩa với đây là một hành trình gian khó nhưng thiết thực, sát với đời sống của nhân dân.
Một trong những cái khó nhất là rất khó để kiểm soát được việc người sản xuất có thực hiện cam kết rằng họ không sử dụng các loại chất không an toàn, chất phụ gia thực phẩm quá hạn, các loại hóa chất bị cấm trong việc sản xuất và nuôi trồng lương thực, thực phẩm. Nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nơi mà công cụ kỹ thuật hiện đại chưa có điều kiện với tới. Đây chủ yếu là nguồn gốc của thực phẩm “bẩn”
Để thực hiện tốt công tác giám sát VSATTP, bên cạnh việc phối hợp tốt với các cơ quan, bộ, ban ngành và các địa phương, các thành viên MTTQ đều phải đồng thời vào cuộc. Hội CCB, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân sẽ nhận trách nhiệm vận động theo khả năng của mình. Ở cơ sở việc đầu tiên là phải kiểm tra các nơi bán đầu vào sản phẩm, người bán cũng phải cam kết không bán hàng chất lượng kém chứ chưa nói tới sản phẩm trong danh mục bị cấm. Đồng thời phải có sự giám sát từ các Sở như Sở NNPTNT, Sở Khoa học Công nghệ cùng các ban, ngành chức năng kiểm tra các nơi sản xuất, nơi bán hàng.
Công tác giám sát sẽ có hiệu quả nếu biết dựa vào sức mạnh của nhân dân, biến các tổ chức quần chúng nhân dân, động viên, khích lệ để mỗi người dân trở thành một tuyên truyền viên, một giám sát viên vừa tự mình cam kết không sản xuất thực phẩm không an toàn đồng thời giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa của cộng đồng.
Bài và ảnh: Kim Loan