Tiểu thuyết “Người đọc” và tác giả.
Báo tháng 4 - “Thế giới này sẽ đơn giản biết bao khi kẻ ác luôn hiện nguyên hình là một con quỷ dữ... ”- Bernhard Schlink
Cuốn tiểu thuyết tiếng Đức có tiêu đề khá lạ - “Người đọc” (Der Vorleser) của tác giả - luật sư Bernhard Schlink viết năm 1995, ngay lập tức trở thành một hiện tượng chấn động văn đàn khi đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm - tội ác của Đức quốc xã trong Thế chiến II.
Tác phẩm đã dựng lại hình ảnh những trại tập trung của Phát-xít như một bằng chứng tội ác không thể chối cãi trong lịch sử nhân loại. Cuốn sách ngay sau đó đã được phổ biến rộng rãi với hàng chục triệu ấn bản và được dịch ra khoảng 40 thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, tiểu thuyết này xuất bản năm 2006 bởi Nhã Nam và NXB Phụ nữ.
Người đọc là câu chuyện về cuộc tình giữa Michael Berg - một thanh niên trung học 15 tuổi và Hanna Schmitz - người phụ nữ hơn cậu 21 tuổi trong bối cảnh những năm 1960 tại Đức. Hai người gặp nhau trong một lần Michael trên đường đi học về, gặp mưa và nôn thốc bên vệ đường. Hanna đưa cậu về nhà và từ đó hai người bắt đầu một mối quan hệ kỳ lạ. Họ tìm đến nhau thường xuyên hơn trong ngôi nhà trên căn gác cũ của Hanna để thực hiện một nghi thức gần như cố định: tắm gội - đọc sách - yêu đương. Nhưng bất chợt một ngày nọ, Hanna biến mất, không tin tức, đột ngột và bặt tăm.
Câu chuyện lướt qua với những suy tư, những kiếm tìm của Michael Berg và tiếp tục mở ra ở bối cảnh của rất nhiều năm sau khi anh đã trở thành một sinh viên trường luật và cô là bị cáo trong phiên tòa xét xử tội ác của cuộc diệt chủng tại Holocaust trong thế chiến II.
Cuộc gặp mặt ở thế đối ngược: Hanna là một mắt xích trong hệ thống giết người dưới chế độ Hitler và Michael là một đại diện của thế hệ ngày nay đang xét lại quá khứ tội lỗi của thế hệ trước. Cùng một lúc phải đối diện với quá khứ của cá nhân - người phụ nữ nâng đỡ, chở che mình thời niên thiếu và quá khứ của dân tộc - một kẻ sát nhân trong cuộc thảm sát Holocaust, Michael không thể làm gì hơn ngoài việc im lặng, bất lực nhìn Hanna điểm chỉ vào bản án lịch sử dành cho cô. “Ngay từ ngày ấy và đến hôm nay tôi đã có cảm giác nặng nề khi nghĩ đến nỗi tê liệt chung và cả khi nghĩ đến sự tê liệt ấy không chỉ đè lên cả thủ phạm và nạn nhân, mà còn đè lên cả chúng tôi.”(tr.101) Từ đó, anh không sao thoát khỏi nỗi dằn vặt khi nghĩ về người phụ nữ mình từng yêu và mang ơn ngày ấy.
Hanna là tiếng nói của những người Đức trong thế chiến II và trở thành tội đồ của những cuộc phán xét trong thời bình sau đó. Cuộc gặp lại định mệnh giữa Michael và Hanna không chỉ là cuộc hội ngộ của hai con người sau nhiều năm xa cách mà đó còn là khoảnh khắc mặt đối mặt giữa hai thế hệ vô cùng khác biệt nhau của lịch sử.
Michael biết Hanna đã phải nhận toàn bộ mọi trách nhiệm về một tội ác không chỉ mình cô gây ra nhưng anh cũng không lên tiếng đứng về phía cô. Thái độ bối rối, xấu hổ của anh lúc phiên tòa kết án là thái độ lẩn tránh, chối bỏ của thế hệ hôm nay về những tội ác mà cha ông mình gây ra đã cho người đọc thấy rằng, Hanna đã phạm tội, những gì Hanna đã làm là phi đạo đức, nhưng liệu điều đó có được coi là bất hợp pháp theo luật pháp của quá khứ - thời điểm cô làm quản tù?. “Đao phủ không tuân thủ lệnh nào. Hắn làm công việc của hắn, không ghét những người hắn hành quyết, không trả thù gì họ, không giết họ vì họ cản chân hắn hay đe dọa hoặc công kích hắn. Hắn hoàn toàn dửng dưng trước họ, dửng dưng đến mức giết họ hay để họ sống cũng như nhau” (tr.149)
Kết thúc truyện là cái chết của Hanna. Hanna tự tử vào đêm trước ngày bà được trả tự do sau gần 20 năm cải tạo. Vào đêm ấy, bà đã gửi thư cho Michael bằng những dòng chữ nguệch ngoạc, để lại tài sản vật chất lớn nhất của bà là chút tiền dành dụm được nhờ lao động trong tù cho một bé gái có mẹ từng là nạn nhân của bà. Hanna vẫn lặng thinh và không bao giờ biện minh cho chính mình.
Câu hỏi: “Nếu là tôi, các ông sẽ làm gì?” - trong buổi tòa xét xử 20 năm trước không có hồi đáp và đó là câu hỏi duy nhất của cuộc đời bà. Hanna chết, từ chối sự trở lại cộng đồng. Bà không đủ dũng cảm để quay lại và bà biết vị trí của mình.
Tiểu thuyết “Người đọc” đã được chuyển thể thành phim với sự diễn xuất tuyệt vời của Kate Winslet - bông hồng nước Anh. Ngoài giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Kate Winslet), The Reader nhận được 4 đề cử Oscar 2009 cho Phim, Đạo diễn, Kịch bản chuyển thể và quay phim xuất sắc nhất.
Đoạn cuối bộ phim là cuộc trò chuyện giữa Michael Berg - bấy giờ là một luật sư và cô bé Mather - người được nhận số tiền Hanna để lại - hiện tại là một người phụ nữ lớn tuổi bị mù chữ trong hầu hết cuộc đời mình. Có phải điều đó giải thích cho cách hành xử của cô ấy? Hay một lời bào chữa? Không. Cô ấy đã tự đọc trong tù.
Cô ấy có biết những tác động của cô ấy lên cuộc đời anh không? Người ta vẫn hỏi tôi đã học được gì trong trại tập trung. Nhưng trại tập trung không phải là một liệu pháp. Chúng tôi không đến đó để học. Cần phải nhận thức rõ ràng về những vấn đề đó. Anh muốn yêu cầu gì? Tha thứ cho cô ấy? Hay anh muốn cho mình được nhẹ nhõm hơn?
Xin khuyên anh, nếu anh muốn giải tỏa, anh đừng đến trại tập trung. Không rút ra được gì từ trại tập trung. Không gì hết. Quá khứ không phải là bài học. Nó là lời cảnh báo.
“Người đọc” chính là một hành trình đọc, từ những hành động cụ thể là đọc truyện cho nhau nghe của Michael và Hanna, đến “đọc” chính bản thân mình, “đọc”một cuộc đời người khác, “đọc” lại quá khứ của dân tộc mình để từ đó rút ra rằng mọi chấn thương, mọi tội lỗi trong quá khứ chính là lời cảnh báo cho hôm nay: Đừng sống như quá khứ nữa - nếu là quá khứ độc ác!
Đỗ Thị Thúy