Sau ba tháng huấn luyện, lần lượt bạn bè lên đường ra phía trước, đứa lên biên giới phía Bắc, đứa vào Mặt trận 719 làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Đang tính đến lượt mình sẽ được đi "Tây"-bổ sung cho Mặt trận 379 làm nhiệm vụ quốc tế ở Bắc Lào, thì tôi được phong hàm sĩ quan và nhận quyết định ở lại làm trợ lý tuyên huấn sư đoàn.
Là đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, lúc đó mỗi năm hai kỳ tuyển nhận, huấn luyện, giao quân; cán bộ khung có bao việc phải làm, xoay như chong chóng. Còn anh trợ lý tuyên huấn "leo thang đóng đinh, loa đèn kèn trống" như tôi thì không nói hết chuyện nhọc nhằn. Nhưng bù lại, tôi được thả mình trong chất lính trẻ trung, hồn nhiên, sôi động… Chỉ cần kể đến chuyện làm báo tường, báo liếp đại đội cũng đã có bao điều đáng nói.
Với "món" báo tường của đại đội, ngay từ ngày đầu nhập ngũ, tôi đã bị lôi ngay vào cuộc bởi có chút "hoa tay" và chữ nghĩa được cán bộ đại đội cho là "sạch nước cản". Vậy là, với lý do kiếm mấy tờ Crôki, chút màu vẽ…, tôi có thể được phép "tụt tạt" về Hà Nội vài ngày. Sau đó là mấy buổi bôi bôi, kẻ kẻ… Rồi lấy hai thanh tre (hoặc gỗ) nẹp đầu tờ giấy lại, tròng vào một sợi dây và treo lên tường; thế là một tờ báo tường ra đời...
Từ chỗ mang báo của mình đi dự thi, đến khi là thành viên ban giám khảo-chấm thi báo tường của trung đoàn, sư đoàn, thì tôi thật sự được vui với chất lính mới của những tờ báo tường rất đáng yêu. Tên báo vô cùng phong phú, nào: "Xung kích", "Vọt tiến", "Quyết thắng", "Niềm tin", "Vỗ cánh"… Ở măng-sét từng tờ, bao giờ cũng có: "Tiếng nói của Đại đội X..., Tiếng nói của Chi đoàn Y, mừng Đảng, mừng Xuân... Hướng về ngày...". Hình thức báo cũng muôn hình muôn vẻ. Có tờ, dưới măng-sét, được chia ô, chia hộc, dán từng tập bài cỡ trang giấy vở học trò vào. Có tờ được trình bày hết sức cầu kỳ; bài báo xoay ngang, xoay dọc; được viết bằng bút ta, mực tàu - như viết giấy khen; xen giữa các bài là hình họa, hoa văn trang trí… Còn nội dung thì đủ cả. Báo của Trung ương có gì, báo của đại đội có thứ đó; nào xã luận, tùy bút (khi đó chúng tôi thường gọi đùa là mặc bút), văn, thơ, tranh vui đả kích... Nhưng đầy đặn, rôm rả nhất có lẽ là chuyên mục thơ (đúng hơn là những câu văn, câu nói có vần). Gần đây, có dịp đi công tác ở một số đơn vị quân đội; đặc biệt ra công tác ở quần đảo Trường Sa, tới các đảo Phan Vinh, Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông… tôi lại được đọc nhiều tờ báo tường như vậy-cảm giác như gặp lại chính mình những ngày làm tân binh.
Những tờ báo tường đại đội là nơi người chiến sĩ dãi bày lòng mình, thổ lộ những suy nghĩ về quê hương, đất nước, về Đảng quang vinh, về Bộ đội Cụ Hồ và những ngày được đứng trong quân ngũ…
Xin được ghi lại từ trong ký ức một vài câu, tạm gọi là thơ của những người lính sư đoàn tôi ngày ấy, qua những tờ báo tường đại đội.
Viết về khóm hoa trước nhà ban chỉ huy đơn vị, một chiến sĩ có cái nhìn khá tinh tế:
Bông huệ trắng trước nhà đại đội
Rất dịu dàng sớm tối đưa hương.
Chiến sĩ ngủ say sau nắng thao trường
Tủm tỉm cười trong hương hoa dịu nhẹ.
Qua một kỳ sư đoàn tổ chức cho bộ đội hành quân lên núi Thiên Thai (Bắc Ninh), bắn đạn thật; liền sau đó, tôi gặp trên một tờ báo tường có bài thơ "Nghĩ khi về đội ngũ" với những câu - ý tứ khá rõ:
Trong đội ngũ sư đoàn hướng phòng tuyến anh lên
Vắng bóng em, bay xa câu quan họ...
Và
Câu "chín đợi mười chờ" theo em về đâu?
Để ta gặp nhau trong nhịp cầu mong nhớ.
Em đến trong anh và tình yêu đôi lứa
Lại giăng thành lũy thép giữ quê hương.
Cố lần tìm tác giả, cũng là tìm "nguồn" nhân viên câu lạc bộ, tôi mới biết chủ nhân của bài thơ này, thời sinh viên, năm 1979 đã từng tham gia xây dựng phòng tuyến sông Cầu; ra trường rồi nhập ngũ, trở lại Thiên Thai, gặp những chiến hào dăng dăng khắp sườn núi, nghĩ về đất nước, tuổi trẻ, tình yêu…, anh đã mượn tờ báo của đại đội để giãi bày tâm tư.
Còn một sĩ quan, sau lần đưa quân lên bổ sung cho một đơn vị làm nhiệm vụ ở Vị Xuyên, Hà Giang mùa hè 1984, đã có ngay bài "Tình yêu mùa gặt" cho tờ báo đại đội, và anh có đôi tai thính như ra-đa:
Nay lúa vàng trải khắp thung xa
Cùng đồng đội anh đang mùa đánh giặc
Lắng phương em tìm âm thanh mùa gặt
Gặp tiếng mìn, tiếng pháo dọc đường biên...
Cũng phải kể đến nhiều và rất nhiều bài, nhiều câu mà mỗi khi đọc lên, "giám khảo" chúng tôi không nhịn được cười. Ví như:
Đơn vị tổ chức tăng gia
Trông xa trăng trắng như là quét vôi.
Hay là:
Anh chăm đôi lợn, em nuôi đàn gà
Nhớ đừng để đói, chúng thì đồng ca.
Tôi không “thực mục sở thị” bài “Giờ nào việc nấy” của một chiến sĩ, nhưng nghe anh Phan Trọng Hóa-Chính trị viên tiểu đoàn có chiến sĩ nọ (anh Hóa được điều lên làm trợ lý tuyên huấn sư đoàn, anh uống rượu rất khỏe, nên chúng tôi gọi đùa anh là Phan Trọng Rượu) đọc cho nghe:
Hăng say luyện tập thao trường
Giỏi kỹ-chiến thuật, bồi dương (dưỡng) tinh thần
Hết giờ tranh nhau lấy phân
Tưới rau, nhổ cỏ, ra sân thể thào (thao)
Tối thì văn nghệ, đọc bào (báo)
Tới giờ nghe kẻng, anh vào đi ngu (ngủ).
Thật lý thú và có thể liệt “tác giả” bài thơ này vào hàng “hậu duệ” của thi sĩ “Bút Tre”-Đặng Văn Đăng!
Và, cao trào nhất có lẽ là bài viết của một tân binh hưởng ứng phong trào tăng gia "quanh bếp, quanh nhà":
Đơn vị phát động tăng gia
Thi đua ta quyết trồng cà dái dê
Dái dê năng suất cao ghê
Sang năm lại cứ dái dê mà trồng... !
Ba mươi năm đã qua đi kể từ ngày chúng tôi làm báo tường đại đội và Sư đoàn ngày ấy của tôi cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Có anh "thợ vẽ" hôm nào, nay đã là giảng viên một trường mỹ thuật, là họa sĩ thành danh; có "nhà thơ đại đội" nay là phó giáo sư, tiến sĩ; cũng có người về với ruộng đồng, đang ngày đêm trăn trở, nghĩ suy trên từng luống cày… Mỗi lần gặp lại nhau, trong vô vàn "ký ức binh nhì", chúng tôi không quên những kỷ niệm ngày làm báo tường đại đội và những bài báo đọc cười rung hết lục phủ ngũ tạng.
Duy Tường