Báo tháng 9 – I

Khi tôi chuyển tới bạn đọc mấy dòng tâm sự này, thì Đại tá Lê Lâm Ứng (Phạm Kiệu) đã vĩnh biệt chúng ta.

Sự ra đi của anh đối với tôi quả là rất đột ngột. Mới ngày nào tôi còn gặp anh trong Bệnh viện E, thấy anh còn hồng hào, nồng nhiệt. Anh kể với tôi về những dự định sẽ làm. Đó là một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, viết đúng như những gì anh đã trải nghiệm. Tại sao cuộc chiến tranh của chúng ta vĩ đại thế, mà những tác phẩm viết về nó vẫn chưa được như những gì nó có. Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc được đông đảo bạn đọc đón nhận vì đó là những câu chuyện về chiến tranh của chính những người ở trong cuộc. Có lẽ phải viết về chiến tranh bằng cái nhìn của người trong cuộc. Tôi rất tin ở sức lực cũng như bút lực của anh. Vậy mà…

Tôi biết Lê Lâm Ứng từ năm 1970. Khi đó, tôi mới là cậu bé học sinh lớp 5 ở trường làng. Còn anh là một người lính của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Anh quê ở Phú Thọ. Năm 1963 nhập ngũ, rồi vượt Trường Sơn vào Khu 5, một chiến trường rất khốc liệt, là nơi nhà văn Nguyên Ngọc từng bám trụ, viết tiểu thuyết "Đất Quảng" bút ký "Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc" và sau này là "Cát cháy".

Lúc bấy giờ, ở chiến trường nóng bỏng, Lê Lâm Ứng không làm nhà văn, anh là người lính trận, một người lính của bộ đội chủ lực tham gia nhiều trận đánh nổi tiếng, trong đó có cuộc tấn công vào sân bay Đà Nẵng. Cũng trong cuộc chiến đấu ấy, anh bị thương, trở lại miền Bắc điều trị rồi về Trại An dưỡng An Bình ở quê tôi.

Buổi chiều ngày 13-11-1970, anh cùng mấy chú bộ đội miền Nam đến nhà tôi chơi. Lúc ấy anh còn trẻ lắm. Gương mặt xanh xao vì sốt rét và mất máu. Anh là người vui chuyện. Câu chuyện nào của anh cũng hấp dẫn. Anh kể chuyện hay đến lạ lùng. Ngay sau cuộc gặp gỡ ấy, tôi đã viết tặng anh một bài thơ rất thật thà:

Chiều nay các chú lại về

Ba lô con cóc to bè trên lưng

Mũ mang bao tiếng chim rừng

Áo thơm hương gió trăm vùng chú qua

Chú cho cháu rất nhiều quà

Chú về cả nắng đường xa cùng về

Cháu mời chú bát nước chè

Chú vui chuyện, bé Giang nghe, mắt tròn...

Rồi tôi vắn tắt thuật lại những câu chuyện anh kể. Và rồi:

Cháu nghe rộn những bước chân

Núi cao chú vượt mấy lần chú ơi

Giữ cho cháu trọn tiếng cười

Góc trường đỏ ngói khoảng trời xanh mây

Khoảng trời chỉ để chim bay

Góc trường chỉ để ngày ngày cháu vui

Chú đi qua mấy tuổi đời

Mấy vùng im lặng, mấy trời đạn bom

Còn người, còn nước còn non

Chú ơi non nước mãi còn sáng tươi

Chú thành thày giáo cháu rồi

Dạy cho cháu học làm người Việt Nam....

Tôi xin lỗi bạn đọc vì đã làm một việc rất không nên làm là mang thơ mình ra bàn tán. Tôi trích dẫn quá dài một bài thơ còn rất nhiều vụng dại cũng chỉ để nhớ lại một kỷ niệm thời thơ ấu với anh. Sau cuộc gặp gỡ ấy, Lê Lâm Ứng cũng viết tặng tôi một bài thơ. Bài thơ này, có thể anh đã quên rồi. Nhưng tôi thì vẫn nhớ, như nhớ những kỷ niệm với anh. Bài thơ có tên rất thật thà: "Cháu hỏi, chú trả lời". Trong đó có đoạn anh kể chuyện miền Nam:

Mấy năm ta Tổng tấn công

Miền Nam rợp bóng cờ hồng vàng sao

Mỹ thua, ngụy chạy nháo nhào

Vùng địch cũng vậy, chú vào đó luôn

Vì dân căm Mỹ khôn lường

Nặng tình ơn Đảng và ơn Bác Hồ

Chú chữa khỏi bệnh lại vô

Cháu làm thơ giỏi, chú chờ đó nghe

Bắc Nam thống nhất, chú về

Cháu có ưng thì chú đón vô Nam...

Quả đúng như điều Lê Lâm Ứng nói. Sau khi rời trại an dưỡng, anh lại vượt Trường Sơn, trở lại miền Nam. Lần này, anh vào sâu hơn, đến chiến trường miền Đông Nam Bộ, rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Sau khi thống nhất đất nước, anh mới trở lại miền Bắc. Khi đó tôi đã là một người lính và anh cũng thành một nhà văn với nhiều tác phẩm được đông đảo bạn đọc yêu mến, trong đó có tiểu thuyết "Cơn lốc lửa", viết về chính cuộc chiến đấu mà anh từng trực tiếp tham dự. Lê Lâm Ứng là một cây bút đa tài. Anh làm thơ, viết văn, viết báo, viết kịch bản phim. Trong đó có phim từng đoạt giải cao trong liên hoan Điện ảnh toàn quốc.

II

“Nỗi niềm để ngỏ” là cuốn sách mới nhất của Lê Lâm Ứng. Gọi sách mới, nhưng thực ra đây là một tập tuyển, chọn lọc những bài thơ xuất sắc nhất trong cả một đời sáng tác của anh. Tất nhiên, sở trường của Lê Lâm Ứng là văn xuôi, mà tiêu biểu là truyện ngắn và tiểu thuyết.

Thơ chỉ là phần anh làm thêm thôi. Nhưng ngay trong cái mảng phụ này, Lê Lâm Ứng vẫn có nhiều bài thơ để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc. Cái tài của Lê Lâm Ứng không nằm ở câu chữ mà là ở những vấn đề anh đặt ra. Để hiểu được anh, nhiều khi ta lại phải rẽ qua những con chữ thô mộc, lấm láp để đón nhận nỗi niềm của anh để ngỏ sau mỗi con chữ. Nhiều bài thơ có tình huống, có cả cốt truyện và nhân vật.

Ở người khác, có thể triển khai thành truyện ngắn, hoặc dựng cả một cuốn tiểu thuyết dài thì Lê Lâm Ứng chỉ co lại trong vài chục chữ. Ta gặp bao nhiêu số phận, bao nhiêu nỗi đời. Cả những điều ngang trái. Rồi còn bao nhiêu là chuyện. Một gã nhà quê ra tỉnh, nhưng lại dương dương tự tắc, huyên thuyên giảng giải về cái điều mờ mịt nơi miền mung lung. Rồi một chàng tỷ phú chỉ vì khinh tiền bạc. Nhờ thế mà anh ta có bao nhiêu của cải. Ta hãy nghe anh kê khai với người yêu:

Anh trao cho em

Này mưa, này nắng

Này trăng này sao

Này cả núi rừng xanh thẳm...

Hoá ra toàn là tài sản của giời đất cả. Rồi một anh chàng khi lên cấp lên chức, trở thành kẻ sang trọng, lại hoá vô cảm giữa bạn bè thân thiết với cái bắt tay hờ hững. Bạn cứ tưởng mình thành đạt - Hoá ra đổi có lấy không.

Trong thơ Lê Lâm Ứng, ta còn gặp một anh chàng mù cầm đèn đi giữa đường. Anh biết mình mù nên nhờ ngọn đèn sáng che chở. Anh cứ hy vọng nhờ ngọn đèn ấy mà những người lành lặn có thể nhận ra anh. Rốt cuộc anh vẫn bị xô ngã.

Cơn giận giữ người mù trong đêm tối:

- Thong manh ư, không thấy ánh đèn sao

Xót xa buồn, người lành khẽ bảo:

- Đèn anh đã tắt tự khi nào!...

Có phải lỗi tại ngọn đèn không? Người mù không nhìn thấy, nên anh không biết ngọn đèn tắt đã đành. Nhưng người lành nào cũng có hơn gì. Hoá ra anh ta cũng là một người mù vẫn còn có đủ cả hai con mắt. Bài thơ Lê Lâm Ứng viết theo lối giả tưởng, nhưng vấn đề anh đặt ra lại mang tính hiện thực.

Tôi rất yêu mấy câu thơ Lê Lâm Ứng khóc người bạn thơ của mình, là thi sĩ Bế Kiến Quốc:

Bạn về đích trước Quốc ơi

Mình còn lẽo đẽo cuối trời chân mây

Đường đời dài ngắn ai hay

Biết rằng vượt được cõi này bình yên...

Lê Lâm Ứng đã bình an vượt qua cả một chặng đường bom đạn, khói lửa bằng ý chí, sức lực của một người lính trận. Anh cũng đã băng qua một chặng đường dài bằng đôi chân thơ và văn xuôi. Vậy mà anh lại không thể vựơt qua được cơn đột quỵ, dù đã được vợ con, bạn bè và các bác sĩ tận tình chăm sóc. Xin chia sẻ nỗi mất mát này với gia đình và bạn bè đồng đội của anh.

Còn bao điều anh chưa kịp làm. Nhưng những gì anh để lại cũng đã đủ để cho chúng ta hình dung ra gương mặt anh: Một người lính nồng nhiệt. Một cây bút luôn gắn bó máu thịt với cuộc sống.

Và những gì tốt đẹp thì sẽ còn lại mãi….

Trần Đăng Khoa