Tháng 1-1955, tôi đang ở trung đoàn 44, Liên khu 4 thì được điều về làm quyền Trưởng ban Cơ vụ, chuyên bảo đảm kỹ thuật máy bay, Cục Hàng không dân dụng, đóng ở sân bay Gia Lâm. Khoảng chín giờ tối ngày 13-6-1957, tôi được lệnh lên gặp đồng chí Đặng Tính, Cục trưởng. Anh hỏi tôi cặn kẽ về tình trạng kỹ thuật của 6 chiếc máy bay mà ta đang có lúc bấy giờ; gồm 3 chiếc Li-2 và 3 chiếc AE RO-45. Nghe xong, anh nói: Chúng ta có nhiệm vụ đi đón một cán bộ cao cấp ở Vinh vào Đồng Hới. Tôi chọn chiếc Li-2 số 203, cùng các đồng chí kiểm tra thật kỹ, thay xăng dầu, bay thử rồi tổ chức canh gác cẩn thận, sẵn sàng cất cánh. Đội thợ chúng tôi làm việc hết mình với một tâm trạng rất phấn khởi và đoán già đoán non là sẽ chở Bác Hồ. Đêm ấy trăng sáng vằng vặc, gió hè lồng lộng, chúng tôi trải bạt nằm dưới cánh máy bay thao thức đến khuya. Nhưng hôm cất cánh thì chỉ có một mình anh Đặng Tính đi cùng. Bay đến vùng trời Phủ Lý, anh mới cho biết: Bác Hồ đã đi ô tô từ hôm trước, chúng tôi có nhiệm vụ đón Bác vào Đồng Hới rồi ra Hà Nội.
Sáng ngày 16, Bác về thăm làng Kim Liên ở Nam Đàn, Nghệ An. Tại sân bay Vinh, chúng tôi dậy sớm, kiểm tra máy bay, bay thử một vòng. Ai cũng hồi hộp chờ đợi phút giây được thấy Bác, được làm nhiệm vụ đặc biệt của mình. Bỗng có tiếng reo: “Bác đến, Bác đến!”. Từ trên chiếc xe com-măng-ca mui trần, Bác đội mũ cát, mặc bộ quần áo ka-ki vàng bước xuống. Nhà khách sân bay nhộn nhịp hẳn lên. Sau phút chia tay những người ra tiễn, tổ lái ngồi vào vị trí, tôi đứng ở cửa máy bay chờ đợi, Bác tươi cười hỏi: “Các chú chuẩn bị xong rồi chứ?”. Tôi lễ phép: “Thưa Bác, xong rồi ạ, mời Bác lên máy bay”. Tôi sung sướng được đỡ bàn tay mềm ấm của Bác. Trong đoàn còn có đồng chí Vũ Kỳ, bác sĩ Bảo, một cán bộ bảo vệ người Tày, một chiến sĩ công vụ và hai nhà quay phim. Bác ngồi ở chiếc ghế hàng đầu, ngay phía sau là anh Đặng Tính. Trời nóng, Bác cởi chiếc áo ka-ki bạc màu, để lộ hai cánh tay gày gò nhưng săn chắc. Chiếc Li-2 bay từ Vinh vào Đồng Hới có 45 phút, khi máy bay lượn nghiêng để đáp xuống sân bay, tôi thấy vẻ mặt Bác chợt đăm chiêu. Người ngoái cổ nhìn thẳng về phía xa, nơi chân trời đang có những vằn mây đen đùn lên. Chúng tôi cũng im lặng. Hướng ấy chưa đầy 30 cây số là miền Nam. Ước gì được bay thẳng vào trong đó, để Bác nhìn rõ mảnh đất đang đau thương mà Người hằng mong nhớ… Chiều hôm ấy, Bác dự mít tinh ở sân vận động thị xã rồi nói chuyện với nhân dân. Buổi tối Bác làm việc với Tỉnh uỷ Quảng Bình và một số cán bộ lão thành. Nói sao hết nỗi vui mừng, xúc động của những cụ già từ những vùng xa xôi hẻo lánh, được tin đã rủ nhau đi gặp Bác.
Bốn giờ rưỡi sáng hôm sau, chúng tôi vừa kiểm tra máy bay xong thì ô tô đưa Bác tới. Bác vẫy tay bảo chúng tôi cùng ngồi xuống một vạt cỏ còn đẫm sương đêm. Người hỏi tuổi, quê quán, gia cảnh của từng người rồi khuyên: Nước ta còn nghèo, chưa có nền khoa học hiện đại, các chú phải cố gắng học tập để nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật, phục vụ cho một ngành hàng không tiên tiến. Lái chính Trần Cẩm Trọng xin Bác 5 phút để bay thử một vòng rồi mới xuống đón Bác. Sau 1 giờ 40 phút bay, chúng tôi về đến Hà Nội. Được Bác đồng ý, anh Đặng Tính bảo tổ lái cho máy bay lượn ba vòng trên bầu trời thành phố rồi mới hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm để Bác ngắm cảnh Thủ đô.
Hai ngày sau, một chiếc xe đón chúng tôi sang Phủ Chủ tịch. Bác dành đúng một tiếng đồng hồ để tiếp tổ chuyên cơ. Lúc phải chia tay, tôi bùi ngùi nhìn đôi mắt thâm quầng của Bác mà thưa: “Con chào Bác. Bác đi nghỉ ạ”. Bác mỉm cười đôn hậu nhìn tôi: “Bác phải đi làm việc chứ…”. Hai mươi năm sau, khi nước nhà thống nhất, tôi có dịp vào Lăng viếng Bác. Nhìn nét mặt thanh thản của Người, tôi như thấy văng vẳng đâu đây một tiếng thơ xúc động: “ Nâng niu tất cả chỉ quên mình… ”.
Đặng Đình Ninh kể Xương Giang ghi