Có thể nói, Đại úy CCB Dương Mạnh Nghĩa, sinh năm 1947, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Ninh là một cây bút có năng khiếu về thơ; mặc dù ông cũng có một số tác phẩm văn xuôi, nhưng chỉ chiếm khoảng 20% sáng tác của mình kể từ năm 2006 đến nay.
Dương Mạnh Nghĩa nguyên là cán bộ chính trị của một đơn vị pháo binh trong kháng chiến chống Mỹ. Ông từng có mặt ở nhiều chiến trường Nam - Bắc và nước bạn Lào. Năm 1983, được nghỉ mất sức, về địa phương, ông còn tham gia công tác Đảng.
Ông có năng khiếu thơ văn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã có một số sáng tác được bạn bè tán thưởng. Vào bộ đội, ông có nhiều bút ký, truyện ngắn và thơ. Quê ông là xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh), mảnh đất có dòng Tiêu Tương huyền thoại, có chùa Tiêu Sơn, nơi tu hành của Thiền sư Lý Vạn Hạnh và câu chuyện về nàng Phạm Thị mang thai Lý Công Uẩn, sau này là một vị vua tài đức có công khởi dựng Thăng Long - Hà Nội.
Dương Mạnh Nghĩa rất tự hào về lịch sử quê mình và cả vùng Đông Ngàn (Từ Sơn ngày nay). Từ tình yêu văn học, ông dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu lịch sử, địa lý, con người để có “Hương hoa sứ” (thơ) in năm 2006. Tiếp là “Chuyện Nàng Phạm Thị” (truyện thơ) xuất bản năm 2008; “Trương Chi” (truyện thơ) ra mắt bạn đọc năm 2009. Một năm sau đó, truyện thơ “Tiêu Tương kỳ ngộ”, “Tiếng lòng” (thơ) in năm 2011. “Ánh sao khuê” (thơ) viết về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, năm 2012. Tiếp theo là “Đôi bờ Tiêu Tương”(khảo cứu) năm 2016. “Chùa cổ pháp với vương triều Lý”, xuất bản năm 2017, là một công trình khảo cứu, khẳng định quê hương Thái Tổ Lý Công Uẩn. Dương Mạnh Nghĩa còn viết kịch bản cho Đài truyền hình Bắc Ninh làm 19 bộ phim phóng sự phát sóng từ năm 2018 đến giữa năm 2019, với tựa đề “Đôi dòng Tiêu Tương”, kể rõ ngọn nguồn dòng sông này, từng nổi tiếng với chuyện tình Trương Chi, Mị Nương mà người đời còn xúc động bởi tiếng hát Trương Chi đã làm cho người đẹp Mị Nương phải xiêu lòng, nhưng đành dang dở vì chàng chở đò trên con sông này “xấu trai”.
Bất ngờ hơn cả là năm 2019, Dương Mạnh Nghĩa đã chuyển thể truyện thơ “Đôi bờ Tiêu Tương” thành vở chèo 4 màn, kịch bản đã được một số đoàn nghệ thuật dàn dựng. Chưa dừng lại ở đó, tháng 8-2020, ông giới thiệu truyện thơ “Tình hai bến nước” viết về một mối tình giữa một cô thiếu nữ (Thùy) với anh chiến sĩ (Bắc) đang chiến đấu giữ thành Quảng Trị. Do chiến tranh, họ không có được những thông tin chính xác nên cô gái “chết lặng” khi nhận được giấy báo tử của người yêu. Và oái ăm thay, khi đất nước thống nhất thì Bắc đột ngột trở về trong khi Thùy đã đi lấy chồng và sinh con. Họ gặp nhau trên ngôi mộ của Bắc, khi Thùy cùng con nhỏ qua sông thắp hương cho anh. Thùy thiết tha: “Nghe em, mình đổi duyên mình/ Lòng em khắc cốt, mai sinh tái hồi”.Nghe lời Thùy, Bắc sẽ tìm duyên mới và họ hứa hẹn sau này sẽ gả con cho nhau để ân tình thêm sâu đậm.
Tôi và Nghĩa biết nhau từ khá lâu, bởi cùng có đam mê viết từ 20 năm trước. Điều tôi tâm phục là Nghĩa có năng khiếu thơ có thể nói là bẩm sinh. Còn tôi chỉ dăm ba bài báo, cũng có thơ nhưng không đáng kể. Dương Mạnh Nghĩa đã có nhiều truyện thơ, ngắn là 1.400 câu, dài là hơn 2.000 câu. Thơ của ông không chỉ dẫn giải một sự việc, một nhân vật, ở một giai đoạn lịch sử, mà ông dẫn được cho người đọc hiểu rõ căn câu chuyện, sự việc từ đầu đến cuối mà không nhàm chán.
Có lần ngồi bên nhau, tôi hỏi: Ông học chữ Nho từ bao giờ mà có mặt ở nhiều đình chùa, để khảo cứu và viết?
- Nhờ các cao niên, nhờ dân gian truyền tụng, đọc nhiều để hiểu thêm sự kiện. Vậy thôi!
Thế còn chèo, ông có được đào tạo không? Bao giờ?
- Học chứ, lại được nghe, xem nhiều đoàn diễn, nhiều vở diễn để trang bị vốn liếng cho mình. Nói thật nhé, phải yêu quê hương thật sự, phải rung động con tim, mạnh dạn cầm bút như cầm súng thì mới “thắng” được khó khăn và cả những yếu thế của mình chứ.
Tự tôi ướm hỏi Nghĩa: Ông chưa buông bút đấy chứ? Thử bật mí xem sắp tới độc giả còn được “đọc” những gì của ông?
- Sẽ có, nhưng viết cái gì thì chưa thể tiết lộ với bạn bây giờ. Xin lỗi!
Với riêng người viết bài này, Dương Mạnh Nghĩa còn có thể gọi là “ông thơ Nghĩa” hoặc “ông Nghĩa thơ” chẳng sai chút nào.
Với nhiều tác phẩm có giá trị về văn hóa, lịch sử đã xuất bản, CCB Dương Mạnh Nghĩa đang làm giàu thêm kho tàng văn học Kinh Bắc - một miền quê đã đi vào lịch sử được cả thế giới chiêm ngưỡng bởi Quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa của nhân loại đã được ghi danh.
Nguyễn Hồng Kỳ