Năm 2000, anh em ông Hoàng (Huỳnh) Thúc Cảnh đến chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở Hà Nội.
Cụ Hoàng Bá Chuân sinh năm Nhâm Thìn (1892) tại làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Cụ là hậu duệ đời thứ 12 của Thái tổ Mạc Đăng Dung, thế kỷ XVI từ đất Bắc ly tán vào châu Bố Chính, đổi thành họ Hoàng (Huỳnh) để tránh sự truy sát của tập đoàn Lê - Trịnh.
Là một nhà nho nghèo theo đuổi “Cửa Khổng sân Trình” từ nhỏ, nên 7 người con của cụ lần lượt được đặt tên là Trình, Cành, Tuệ, Cẩn, Tấn, Thân, Cương. Ai cũng biết làm thơ, viết văn và nhiều lần được gặp Bác Hồ kính yêu.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ ông Hoàng Bá Chuân làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, cụ bà Nguyễn Thị Như Đồng làm Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ của xã Minh Trạch (gồm 3 xã Quảng Minh, Quảng Sơn, Quảng Thủy ngày nay). Năm 1954, cụ có 5 người con là bộ đội theo 5 cửa ô trong đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Trong ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô hằng năm, nhiều tờ báo T.Ư và Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) nhắc lại sự kiện có một không hai này.
Ông Hoàng Thúc Cảnh (tức Cành), người con thứ hai của cụ năm nay đã 101 tuổi, đang sống tại Hà Nội, từng làm Thư ký riêng của cụ Hồ Tùng Mậu từ năm 1944. Ông trở thành cố vấn Văn phòng Chính phủ cho đến khi nghỉ hưu nên rất nhiều lần được gặp Bác Hồ.
Ngày 16-6-1957, cụ Hoàng Bá Chuân vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu huyện Quảng Trạch vào Đồng Hới và được bắt tay Bác Hồ khi Người vào thăm Quảng Bình. Năm 1966, cụ Chuân được các con đón ra Hà Nội và sống đến 83 tuổi. Lúc đó ông Cảnh đang công tác trong Phủ Chủ tịch và ông Tấn công tác ở Phủ Thủ tướng (ông Tấn làm Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, rồi làm Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV)).
Lúc qua đời (năm 1974), cụ Chuân để lại 4 tập thơ chữ Hán và 1 tập thơ viết bằng chữ Quốc ngữ gồm 500 bài. Ngày nay, các con cụ tuyển chọn 200 bài in lại trong tập “Hợp tuyển thơ Minh Sơn - Hoàng Bá Chuân”. Cụ đã giành được giải Nhì cuộc thi câu đối nhân Tết độc lập đầu tiên và giải Nhất cuộc thi thơ về Bình dân học vụ của Trung Trung Bộ (năm 1946). Năm 1950, cụ lại giành được giải Nhất cuộc thi Văn tế liệt sĩ của Khu 4. Trong tập di cảo này có hàng chục bài thơ ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ của hai cụ. Bài “Kính dâng Hồ Chủ tịch” của cụ Chuân họa bài “Gửi lớp huấn luyện Phụ lão” của Bác Hồ năm 1951 đã được đăng tải trên nhiều tạp chí và sách báo T.Ư: “Công ơn Cụ như thiên trời địa đất/ Chúng ta nên cử cất tồn còn/ Bắt tay nhau giữ lấy nước non/ Cho hưng vượng tử con tôn cháu…”.
Cụ Chuân làm nhiều bài thơ chúc Tết Bác Hồ. Cụ viết bài “Lời kể công lao đức độ của Bác Hồ cho con cháu” để giáo dục con cháu học tập đạo đức phong cách của Người.Khi Bác Hồ qua đời, cụ Chuân đã viết bài “Thương tiếc Bác Hồ mãi mãi không quên”: “Ôi Bác đi rồi, ôi Bác ơi/ Để cho lớp lớp dạ bùi ngùi/ Cụ già em bé đau lòng khóc/ Nghĩa nặng ơn sâu kể chẳng rồi”. Trong 5 năm cuối cùng của cuộc đời, cụ Chuân viết nhiều bài như “Nghe Di chúc của Bác”, “Một năm nhớ Bác”… để ca ngợi công ơn Người. Cụ còn dịch nhiều bài thơ chữ Hán trong tập “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ ra tiếng Việt.
Cụ bà Nguyễn Thị Như Đồng cũng làm thơ ca ngợi Bác Hồ. Cụ họa bài thơ “Trời hửng”: “Vũ trụ xoay vần đà có sẵn/ Bốn mùa chuyển động mãi không thôi/ Xuân sang đào nở lòng trong trắng/ Hạ đến bông hoa sắc đỏ phơi/ Thu đậm non sông muôn vẻ thắm/ Đông tàn mai nở một nhành tươi/ Ô hay vạn vật còn như thế/ Khổ tận cam lai ắt lẽ đời”.
Đọc bài thơ “Cây cao bóng cả” của luật sư Phan Anh đăng trên báo Cứu Quốc ca ngợi công lao trời bể của Bác Hồ, cụ Hoàng Bá Chuân và hai con trai Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Gia Cương đều có bài họa đăng trên báo. Đặc biệt Đại tá Hoàng Thúc Cẩn - người con thứ tư của cụ Chuân đã xuất bản 3 đầu sách trong đó tập truyện ký “Gương sáng cho đời” gồm 33 bài (NXB Hội Nhà văn, năm 2008). Ông kể lại kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ và O Thanh, cụ Cả Khiêm, là chị và anh của Bác. Ông cho biết: Có nhiều chi tiết thú vị khi Bác đối đáp đấu trí với Nguyễn Hải Thần mà không phải ai cũng biết.
Ngày nay con cháu cụ Hoàng Bá Chuân bước tiếp theo con đường của Bác Hồ đã chọn, nhằm góp phần xây dựng đất nước ta “Đàng hoàng hơn to đẹp hơn” như Di chúc của Bác. Con cháu của cụ là những người thành đạt và có công với nước. Dù sống ở xa quê, các anh chị vẫn hướng về cội nguồn, gửi tiền cấp học bổng nuôi những sinh viên nghèo vượt khó ở địa phương. Ông Hoàng Thúc Cảnh vinh dự được nhận Bằng khen của T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam. Anh Hoàng Minh Cường - con trai của ông Hoàng Gia Cương được giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND T.P Hải Phòng Khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Hoàng Minh Đức