Ngày 23 tháng 10 năm 1961, Đoàn 759 - tiền thân của Lữ đoàn M25 ngày nay được thành lập. Tiếp đó là hơn 10 năm liên tục làm nhiệm vụ trực tiếp chi viện cán bộ, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đây là giai đoạn đầy khó khăn, gian khổ, ác liệt hy sinh. Song với tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí và sáng tạo, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn M25 đã lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc, đưa hàng trăm lượt con tàu, chở hàng ngàn tấn vũ khí, trang bị chi viện kịp thời và có hiệu quả cho chiến trường.

Trong căn nhà mới xây khang trang, còn thơm mùi vôi sơn ở phố Cấm, Hải Phòng, anh Nguyễn Trọng Tú, con trai thứ hai của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Chánh Tâm cho biết:

Nhờ Bộ tư lệnh Hải quân hỗ trợ tiền và các cơ quan, đoàn thể địa phương giúp đỡ nên gia đình mới có ngôi nhà này. Rồi giọng anh trùng xuống, anh kể tiếp: Ba Tâm hy sinh lúc tôi 2 tuổi, còn anh Tuấn thì lên 5, Cả hai chúng tôi đều không biết gì về sự mất mát to lớn ấy. Chỉ có bà và mẹ là đau khổ nhiều. Mãi sau này, nghe kể lại, hồi đó mẹ tôi yếu lắm, nghe tin bố tôi không còn nữa thì mẹ như muốn gục xuống mà theo ông. Nhìn hai anh em tôi đều khoẻ mạnh, ngây thơ, mẹ cố quên đi mọi đau buồn, vì hai con mà sống. Chúng tôi lớn lên nhờ đồng tiền kiếm được từ gánh quà sáng của bà, tiền công đan thuê của mẹ và tình thương của xóm phố.

Được biết, sau Tết Mậu Thân năm1968, để chi viện cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân miền Nam, 4 con tàu của Đoàn tàu không số (Lữ đoàn M25 Hải quân) được lệnh cùng chuyển vũ khí đạn dược vào 4 địa điểm khác nhau. Tàu 165 do trung uý Nguyễn Chánh Tâm làm thuyền trưởng, Nguyễn Ngọc Lương làm chính trị viên, cùng 16 thuỷ thủ khác vào bên Vàm Lũng (Cà Mau). Nhưng dọc đường đi tàu bị nhiều máy bay trinh sát của địch rà thấp theo dõi. Đền ngày 29-2, tàu lại bị 8 tàu chiến địch bao vây. Thấy tàu tiếp tục tiến, chúng liền nổ súng bắn sang kết hợp máy bay oanh kích hòng tiêu diệt. Bức điện cuối cùng mà Sở chỉ huy nhận được lúc 18 giờ ngày 29-2 với nội dung: “Chuyến vào, gặp máy bay trinh sát đi về phía hướng tàu vào - Lương”; rồi sau đó mất hoàn toàn liên lạc.

Sau này, những cơ sở của ta ở Cà Mau kể lại: Ngày 29, trời chưa tối, chúng tôi dõi mắt trông chừng ra biển, thấy máy bay địch lượn nhiều, chúng đã báo động. Rồi chừng 1 giờ sáng, chúng tôi thót tim khi thấy ngoài khơi có nhiều ánh lửa, nhiều đường đạn vạch trời và tiếng súng ầm ĩ, cứ thế khoảng 20 phút thì một tia chớp sáng loà, một cột lửa hình nấm vụt lên cùng tiếng nổ lớn. Chúng tôi lặng người, các thuỷ thủ đã cho nổ tàu và cùng hy sinh trên biển. Tàu 165 đã đi vào huyền thoại như vậy.

Phương Anh