Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa kiên cố ở xã Bắc Ruộng.
Được triển khai từ năm 2011 tại 2 xã Nam Chính (huyện Đức Linh) và Nghị Đức (huyện Tánh Linh), chỉ sau một năm, mô hình liên kết “4 nhà” đã giúp nông dân tạo ra vùng canh tác ổn định với năng suất lúa cao. Nhờ chất lượng gạo ngon, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, mô hình này đã nhanh chóng được nhân rộng ra 16 xã với tổng diện tích hiện lên đến 1.000ha.
Tham gia mô hình này, người nông dân được đầu tư (giống) phân bón và được nợ suốt vụ, trừ vào tiền bán lúa khi thu hoạch. Về giá lúa, doanh nghiệp thu mua theo giá thị trường, người nông dân không bị ép giá. Khi thu mua lúa của nông dân, sau khi trừ tiền giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, công ty trả đủ trong vòng 7-10 ngày. Nếu chậm thì cũng phải trả lãi. Đồng thời, nông dân được trạm bảo vệ thực vật, khuyến nông, thủy lợi ưu tiên hỗ trợ khi được yêu cầu. Các doanh nghiệp sản xuất phân, thuốc, giống sẵn sàng tập huấn quy trình sản xuất lúa, chăm sóc sâu bệnh, chuẩn bị thuốc kịp thời. Trạm Khuyến nông giới thiệu các giống lúa mới năng suất cao, ít sâu bệnh, trạm bảo vệ thực vật hướng dẫn sử dụng phân, thuốc sao cho hiệu quả cao, ít gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận.
Mô hình liên kết “4 nhà” không chỉ tạo vùng nguyên liệu ổn định, mà còn tạo sự đồng bộ trong ứng dụng khoa học-kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất.
Đây là sự khởi đầu quan trọng để Bình Thuận chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến mục tiêu thay đổi mô hình theo hướng nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nguyễn Thành