Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe và Tổng thống Nga - Vladimir Putin.

Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kết thúc ngày 22-1 với Tuyên bố chung hai bên sẽ tăng tốc tiến trình đàm phán về một hiệp ước hòa bình. Như vậy, sau hơn 70 năm, hai nước vẫn tiếp tục cùng chạy marathon quyết tâm tới đích hòa bình dù biết còn rất nhiều khó khăn phía trước.

Lực cản chính trên con đường tới hòa bình của Nga và Nhật Bản là tranh chấp lãnh thổ, cụ thể là nhóm đảo tranh chấp mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Chi tiết hơn, theo Tuyên bố chung Liên Xô - Nhật Bản năm 1956, đảo Habomai và Shikotan theo cách gọi của Nhật (Nga gọi là Khabomai và Shicotan), 2 đảo nhỏ trong số 4 đảo thuộc nhóm đảo tranh chấp, sẽ được trao trả cho Nhật Bản sau khi hai bên hoàn tất hiệp ước hòa bình. Nhật Bản cho rằng việc trao trả 2 đảo trên đồng nghĩa với việc công nhận chủ quyền của Nhật Bản với nhóm đảo này nhưng Nga lại tuyên bố việc trao trả không liên quan đến việc khẳng định nước nào có chủ quyền đối với hai đảo sau khi trao trả. Hai hòn đảo trên chỉ chiếm 7% trong tổng số diện tích của nhóm đảo tranh chấp vốn có diện tích 5.000km2 với vùng biển liền kề được đánh giá có nguồn tài nguyên hải sản dồi dào.

Tranh chấp lãnh thổ là vấn đề lịch sử và luôn khó giải quyết bởi lập trường của các bên khác nhau và phản ứng của người dân. Ông Putin và Abe đã hội đàm với nhau tới 25 lần và lần hội đàm vừa qua ở Moscow diễn ra hơn 1 tháng sau cuộc họp của hai nguyên thủ ở Argentina. Tuy vậy, trong khi ông Abe thăm Nga, nhiều người dân Nga đã biểu tình ở Moscow yêu cầu không trao trả nhóm đảo tranh chấp cho Nhật Bản và người dân Nhật Bản cũng biểu tình tại Tokyo đòi Nga trả đảo.

Tuy chưa thể có ngay một hiệp ước hòa bình nhưng rõ ràng cả Nga và Nhật Bản đều chung quan điểm xử lý tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán hòa bình và thiện chí hợp tác. Quan điểm này như một đường ray định hướng phát triển quan hệ giữa hai nước cho dù có hay chưa có một hiệp ước hòa bình được sự đồng tình ủng hộ của người dân hai nước như phát biểu của Thủ tướng Abe sau hội đàm vừa qua: “Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin và tôi, chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, mối quan hệ giữa những người bạn và hướng tới một giải pháp đôi bên cùng có lợi”.

Thiện chí hợp tác giữa hai nước được củng cố hơn trong chuyến thăm Nga lần này của ông Abe. Ông Putin đã mời doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án hạ tầng của Nga như tăng cường hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng hệ thống đường sắt xuyên Siberi cũng như tăng cường sử dụng lộ trình hàng hải tại Bắc Cực. Tổng thống Nga đã đề xuất mục tiêu tăng thương mại song phương tối thiểu 50%, tương đương 30 tỷ USD, trong những năm tới. Trong khi tiến trình đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng về vấn đề tranh chấp vẫn chưa có một định hình chi tiết, triển vọng phát triển quan hệ kinh tế song phương rõ ràng hơn với những mục tiêu cụ thể mà Nga đưa ra với Nhật Bản. Cho tới nay, hợp tác kinh tế, đặc biệt tại các khu vực quần đảo tranh chấp, vẫn được xem như chìa khóa mở cánh cửa để tiến tới một thỏa thuận giải quyết bất đồng dai dẳng giữa hai nước.

Như vậy đã rõ, Nga và Nhật Bản quyết tâm bắt tay nhau cùng về đích trong cuộc chạy marathon hòa bình. Tuy trên thực tế việc đạt được thỏa thuận về chủ quyền các hòn đảo tranh chấp là một quá trình lâu dài nhưng việc hợp tác thực chất và thiện chí của hai bên đang mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước.

Ngọc Hưng