Đại tá Trần Thế Tuyển - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tp HCM thắp hương tưởng niệm liệt sỹ.

Trạm khách T67, Quân khu 7 không chỉ là nơi đón tiếp cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng quân đội đến lưu trú, làm việc mà nơi đây còn trở thành “trạm dừng chân” của các liệt sĩ trước ngày về quê mẹ. Đây chính là nghĩa tình, trách nhiệm của những người còn sống với những người đã khuất.

Một ngày cuối tháng 5, trạm khách T67 đón một vị khách đặc biệt ghé thăm. Đó là liệt sĩ Nguyễn Duy Cải, sinh năm 1955 ở xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ năm 1974, hy sinh ngày 12/9/1978 tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh thuộc đơn vị Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 tại chiến trường biên giới Tây Nam. Kể từ lúc liệt sĩ Cải hy sinh, gia đình không biết tin tức.

Đến năm 2018, những người đồng đội còn sống của liệt sĩ Cải báo tin, hài cốt của liệt sĩ đang chôn cất tại nghĩa trang Đồi 82 xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên nhiều năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cộng thêm nhiều yếu tố khách quan khác, dù rất mong ngóng nhưng gia đình vẫn chưa có điều kiện vào Nam đón liệt sĩ về quê.

Cuối tháng 5/2023, được sự giúp đỡ của những người lính Cụ Hồ, anh Nguyễn Duy Đĩnh và anh Nguyễn Duy Rư, cháu của liệt sĩ Cải đã lặn lội, vượt hàng ngàn km từ Thái Bình vào miền Nam để đưa người chú về với đất mẹ.

Trò chuyện với mọi người, anh Đĩnh liên tục nói lời cảm ơn đến trạm khách T67, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, Ban LLTT Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 và những người đồng đội của liệt sĩ Cải. Dù đã đứng bên hài cốt của chú nhưng anh Đĩnh vẫn chưa thể tin có một ngày gia đình tìm lại được chú để về quê cúng bái.

Các đại biểu tiễn liệt sỹ về quê nhà

Anh Đĩnh kể, ngày 25/5, hai anh em của anh có mặt tại trạm khách T67 và được đón tiếp chu đáo, đến sáng 26 được hỗ trợ đi đến nghĩa trang liệt sĩ ở Tây Ninh, chiều cùng ngày làm lễ thắp nhang và đến khoảng 2h sáng 27 động thổ, đào hài cốt của chú lên, đến 7h sáng đưa hài cốt từ Tây Ninh về lại trạm khách T67.

“Lúc đưa chú đi, trời mưa tầm tã như đang khóc thương. Thật sự chúng tôi vô cùng xúc động và biết ơn, sau bao năm xa cách, cuối cùng chúng tôi cũng đưa được chú về quê cha đất tổ”, anh Đĩnh nói.

Trong mấy ngày dừng chân ngắn ngủi ở trạm khách T67, liệt sĩ Cải được hàng chục tổ chức, cá nhân đến thắp nhang tưởng nhớ. Đặc biệt, trước giờ lên tàu về Thái Bình, trạm khách T67, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM đã tổ chức một mâm cơm cúng với đầy đủ hương hoa, bánh trái để tri ân và cầu nguyện cho liệt sĩ về quê bình an, suôn sẻ.

Trước hài cốt liệt sĩ Nguyễn Duy Cải, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM dâng nén nhang thơm xúc động nói: “Liệt sĩ Nguyễn Duy Cải cũng như hàng chục ngàn liệt sĩ của Quân đội ta đã quên mình hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Sự hy sinh của các đồng chí là ngôi sao sáng để những người đang sống học tập, noi theo, phấn đấu đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Chúng tôi kính mong hương hồn liệt sĩ Cải, sống anh hùng, chết vẻ vang phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, cho gia đình hạnh phúc, cho tất cả các đơn vị, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, trạm khách T67 mọi sự tốt đẹp, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Thay mặt trạm khách T67, Trung tá Trần Thái Học, Chỉ huy trưởng trạm khách T67 nhấn mạnh, việc đón tiếp hài cốt liệt sĩ tại trạm khách T67 là niềm vinh dự, tự hào to lớn, thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ T67 nói riêng và lực lượng vũ trang Quân khu 7 nói chung đối với công tác tri ân liệt sĩ.

“T67 là ngôi nhà chung không chỉ cho những người lính đang sống, công tác mà cho cả những người lính đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc”, Trung tá Trần Thái Học bày tỏ.

Đại tá Nguyễn Hồng Thái trưởng CQĐD Báo CCB VN thắp hương tưởng niệm.

Những ngày qua, các cán bộ, chiến sĩ tại trạm khách đã lập bàn thờ, tự tay chuẩn bị đồ cúng để dâng lên liệt sĩ Cải. Hình ảnh hài cốt liệt sĩ quàng trên mình cờ đỏ sao vàng được đặt linh thiêng dưới Tượng Bác Hồ cùng quốc kỳ của dân tộc thể hiện niềm tự hào và sự biết ơn vô hạn của những người còn sống với thế hệ đã ngã xuống. Đại tá Nguyễn Hồng Thái trưởng cơ quan đại diện báo CCBVN tại thành phố Hồ Chí Minh người có mặt rất sớm đón liệt sỹ cho đến lúc tiễn liệt sỹ lên tàu về quê xúc động nói: Tôi chứng kiến nhiều lần về đón hài cốt liệt sỹ vì thường đón xong là đi thẳng về quê. Lần này Trạm khách T67 đã lập bàn thờ nơi trạng trọng nhất để đồng đội, đồng chí đến dâng hương cho liệt sỹ- thật là ý nghĩa.

Trong giây phút xúc động đó, những người đồng đội khoác trên mình áo lính lặng mình cúi đầu tưởng nhớ liệt sĩ Cải, người anh hùng của dân tộc, hai câu thơ “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hoá linh khí quốc gia” của Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển như vang vọng nơi đây. Khắc sâu trong niềm tiếc thương vô hạn ấy vẫn xen lẫn những niềm vui bởi từ đây liệt sĩ Cải sẽ được trở về vòng tay yêu thương của gia đình.

Những nén nhang tàn dần, chuyến tàu đưa liệt sĩ Cải về quê cũng đến lúc lăn bánh, những cái chào thân thương như nhắn nhủ “Đồng đội ơi, về quê nhé”. Chiều 28/5, liệt sĩ Cải rời miền Nam về Thái Bình.

Đây là lần đầu tiên trạm khách T67 tổ chức đưa tiễn liệt sĩ với nghi thức trang nghiêm, có sự tham gia của nhiều cơ quan, thành phần. Trước đó, trạm khách cũng vinh dự đón tiếp liệt sĩ Lê Viết Xuân dừng chân trên đường về quê hương Nghệ An.

Trung tá Nguyễn Thái Học cho biết, mỗi cán bộ, chiến sĩ trạm khách T67 luôn xác định công tác tri ân liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị trong thời bình, đơn vị luôn sẵn sàng đón tiếp các liệt sĩ đến với mái nhà chung nghĩa tình này.

Chiến tranh đã đi xa, các anh đã không còn nguyên vẹn nhưng tất cả chúng tôi vẫn nhớ mãi về các anh.

                                                    Kim Sáng- Hồng Thái