Cựu chiến binh Đinh Văn Luân nhiều năm qua viết đơn yêu cầu giải quyết các quyền lợi từ việc nhận khoán bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Ba Vì nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...

Cách đây không lâu, nhiều người dân ở thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bức xúc vì con đường dân sinh mà họ vẫn đi lại nhiều năm nay, bỗng dưng bị Chủ dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Tam Đảo, rộng 386ha, lập barie, chốt chặn. Đây là con đường dẫn vào Khu Du lịch của Dự án - Cty Lạc Hồng, mới triển khai từ năm 2018. Người dân muốn đi qua phải xin phép bảo vệ của Khu Du lịch mới được đi.

Chỉ sau khi bị dân “kiện lên, kiện xuống”, chính quyền vào cuộc, Chủ Dự án mới chịu bỏ barie cho dân đi lại như trước. Nhưng không có nghĩa, hệ lụy của khu sinh thái này đã hết, mà nguyên nhân chính là do Dự án làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

CCB Đinh Văn Luân,  thôn Xoan (Vân Hòa) cho biết:  chủ Dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Tam Đảo đang cho lấp đất, lấn hồ Chanh Lanh. Như thế, tất yếu sẽ dẫn đến nhân dân địa phương quanh vùng thiếu nước tưới tiêu vào mùa khô. Ngược lại vào mùa mưa bão, nguy cơ nước tràn đập, đổ xuống hạ nguồn gây úng, lụt, đe dọa sinh mạng của người dân nơi đây.

Ông Trương Văn Đảo - Chủ tịch UBND xã Trung Mỹ, cho chúng tôi biết: những ý kiến phản ánh của người dân là đúng.  Đoàn kiểm tra của xã  đang xác định lại ranh giới giữa Dự án và lòng hồ để có biện pháp xử lý.

Trước đó, năm 1999, cũng tại địa bàn xã Vân Hòa  (khi đó thuộc huyện Ba Vì, TP. Hà Nội)  Dự án Khu Du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà, do Cty Bình Minh đầu tư được phê duyệt rộng 450ha cũng đã làm nhiều hộ dân trong xã mất kế sinh nhai; do Vườn Quốc gia Ba Vì đã giao cho các hộ dân xã Vân Hòa nhận khoán bảo vệ rừng từ năm 1992, với giá 200 nghìn đồng/ha/năm.  Nhưng khi đất rừng chuyển thành Dự án thì người dân cũng không được nhận rừng nữa. Đó là chưa nói nhiều gia đình bỏ tiền ra trồng keo, bạch đàn, tre luồng xen kẽ, nhưng VQG Bà Vì cũng không cho  thu hoạch và không đền bù.

Người dân xã Vân Hòa vốn sống về rừng nhưng nay mất việc vì toàn bộ khu rừng lớn thuộc quản lý của khu du lịch sinh thái Thiên Sơn Suối Ngà...

Nhân dân địa phương gửi đơn khiếu kiện, năm 2002 Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính Phủ) về thanh tra và kết luận: Giai đoạn 1 Dự án Cty Bình Minh được thuê hơn 253 ha. Sau đó Cty lại được Bộ NNPTNT và UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thêm 30,3ha rừng đặc dụng dưới cốt 100 thuộc xã Vân Hòa. Việc Chủ đầu tư Dự án xây dựng liên tiếp 4 đập nước đã xâm chiếm diện tích canh tác của người dân xã Vân Hòa.

Tuy nhiên, tính đến nay đã 20 năm, những nội dung nêu trong kết luận của  Thanh tra Chính phủ vẫn chưa được giải quyết, khiến người dân vẫn tiếp tục có đơn khiếu kiện.

Ngoài việc tranh chấp đất đai, cây cối, đường đi… nhân dân địa phương còn cho rằng, từ khi có hai dự án du lịch sinh thái “nhảy” vào chiếm lĩnh, thu hồi một diện tích rộng lớn đất  mà người dân đang nhận khoán bảo vệ rừng,  nhưng hầu như doanh nghiệp không tạo ra thu nhập, việc làm mới nào cho dân. Ông Phan Thanh Sơn - Trưởng thôn Xoan (xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội) cho biết: Doanh nghiệp làm du lịch theo kiểu khép kín, hoàn toàn không có chính sách tuyển dụng người địa phương có đất rừng bị thu hồi. Đến nay cả thôn duy nhất có một trường hợp vào khu du lịch làm kế toán.

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, một người có công lớn trong việc bảo vệ các khu vực du lịch cộng đồng ở nông thôn cho rằng: Để du lịch nông nghiệp còn gọi là du lịch trải nghiệm đồng quê được bền vững  thì phải mang lại không chỉ về kinh tế mà còn đóng góp về xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên, văn hóa, lịch sử mang tính cộng đồng và tạo sinh kế bền vững cho các nông hộ.  Doanh nghiệp phải là đầu kéo, tổ chức cho người dân cùng tham gia.  Tuy nhiên, vì lợi ích của một nhóm người, núp bóng xây dựng các dự án du lịch sinh thái, tâm linh, nhiều dự án đã ôm trọn gọn những khu vực rộng lớn, “đuổi” dân cư, những trung tâm giống chăn nuôi, trồng trọt ra ngoài. Đây là cách làm thiển cận.

Chính vì thế, Nhà nước cần xây dựng các cơ chế bảo tồn và phát triển các vùng nuôi giữ giống gốc về chăn nuôi, trồng trọt và xây dựng vùng thực phẩm mang tính hàng hóa, xanh -  sạch. Nên phát triển du lịch tại các làng nông nghiệp truyền thống, có sẵn. Không nên cấp phép cho các dự án chiếm diện tích nông nghiệp rộng lớn như một số dự án du lịch sinh thái và vui chơi giải trí hiện nay. Điển hình như hai dự án kể trên.

Chính Nhi, Anh Đức