Ngoài những quy định về mối quan hệ giữa con người với con người, với xã hội, những tập quán canh tác, còn có cả những thái độ ứng xử đối với môi trường. Gần đây, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đã sưu tầm và in thành văn bản hệ thống các luật tục Êđê, MNông, Jrai... Luật tục chính là biểu hiện cao nhất của di sản văn hoá tộc người ở Tây Nguyên.

Luật tục Mnông quy định không được bán đất, bán rừng, thậm chí không được bán rẫy. Khi phát rẫy, tránh không được làm hư hỏng những cây cối khác mọc chung quanh. Luật tục Êđê đối với những kẻ làm cháy rừng bị bắt được sẽ bị trói chân, xiềng tay và phải bồi thường nặng. Không được phát rẫy nơi rừng thiêng, do các vị thần linh cai quản, nếu vi phạm sẽ bị động rừng hoặc gây tai họa.

Người Ê Đê không cho bất kỳ ai động đến rừng nguyên sinh của buôn. Họ bảo đấy là nguồn sống, là dưỡng khí, là mạch nguồn của nước, đụng vào đấy là mất tất cả. Không ai được mang củi cháy dở vào rừng. Luật tục Jrai quy định phạt nặng kẻ làm cháy rừng. Bắt ếch con phải chừa con mẹ. Chặt cây tre phải chừa cây con. Đốt tổ ong phải chừa ong chúa. Luật tục của tộc người nào cũng quy định phải xử phạt cả những kẻ thấy cháy rừng, cháy nhà mà không cứu chữa...

Hiện nay, nếu biết vận dụng tốt các phong tục, tập quán, luật lệ quản lý và bảo vệ rừng trên cơ sở của Luật Bảo vệ và phát triển rừng của Nhà nước để xây dựng nên một quy chế bảo vệ và phát triển rừng ở từng cơ sở, thì việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng sẽ có hiệu quả hơn.

Phạm Hà