Luật sư Hoàng Huy Được, mới đây, 2 lần có đơn kiến nghị gửi Thủ trưởng và Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hà Nam sớm khởi tố bị can trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) Hà Nam.
Ngày 12-2-2019, luật sư Hoàng Huy Được (Trưởng VPLS Hoàng Minh) thuộc Đoàn luật sư T.P Hà Nội được Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam thông báo là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Văn Ảnh (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ATA; địa chỉ lô P, Khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KHĐT tỉnh Hà Nam (Thông báo số 260/TB-ANĐT ngày 28-12- 2018).
Trước đó, ngày 25-1-2019, luật sư Hoàng Huy Được cũng gửi bản kiến nghị đến Cơ quan ANĐT đề nghị khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hợi (nguyên Trưởng phòng ĐKKD - Sở KHĐT tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi như nêu trên. Theo bản kiến nghị, ông Nguyễn Văn Hợi trong thời gian làm Trưởng phòng ĐKKD đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lạm quyền trong khi thi hành công vụ, làm trái công vụ để cấp Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần 4, lần 5 cho Công ty CP Phát triển Hà Nam (Cty Hà Nam) .
Cụ thể, ngày 21-4-2007, Cty CP ATA do ông Phạm Văn Ảnh đại diện cho các cổ đông sáng lập sở hữu 93,35% cổ phần và bà Nguyễn Thị Thương là cổ đông sáng lập sở hữu 4,68% cổ phần tại Cty Hà Nam (Bên A, bên chuyển nhượng) ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCPCP với Bên B (bên nhận chuyển nhượng) là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (do Trần Anh Tuấn làm đại diện), với giá trị chuyển nhượng hơn 104 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi ký Hợp đồng chuyển nhượng, bên mua tạo dựng hồ sơ (dù không tổ chức họp Đại hội cổ đông) nhằm hợp thức hoá thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập tại Phòng ĐKKD.
Minh chứng là Cty Hà Nam được cấp giấy ĐKKD lần đầu vào ngày 12-8-2004, tính đến ngày 21-4-2007 khi ký Hợp đồng chuyển nhượng là chưa đủ thời gian ba năm. Vì vậy, việc đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập tại Cty Hà Nam bắt buộc phải áp dụng theo Khoản 5, Điều 84 Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Thêm nữa, luật sư Được cũng chỉ rõ: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập sở hữu 98,03% cổ phần tại Cty Hà Nam cho người không phải là cổ đông sáng lập phải thoả mãn cả 2 điều kiện sau: Một là, việc chuyển nhượng phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông; Hai là, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng đối với các cổ phần đó.
Thế nhưng hồ sơ đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập của Cty Hà Nam (được lưu giữ tại Phòng ĐKKD và Sở KHĐT tỉnh Hà Nam) lại cho thấy cả 3 (ba) cổ đông sáng lập cùng biểu quyết chuyển nhượng 100% cổ phần của mình cho 3 cổ đông không phải là cổ đông sáng lập. Việc cả 3 cổ đông sáng lập cùng biểu quyết chuyển nhượng 100% cổ phần của mình cho những người không phải là cổ đông sáng lập, nhưng vẫn được Phòng ĐKKD (mà cụ thể là ông Nguyễn Văn Hợi) cấp thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5 cho Cty Hà Nam là trái quy định tại Khoản 5, Điều 84 Luật Doanh nghiệp năm 2005, trái với quy định tại Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP về Đăng ký kinh doanh.
Chưa hết, tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phòng ĐKKD cấp tỉnh như sau: “1. Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận kinh doanh cho doanh nghiệp”. Với trình độ nghiệp vụ của người đứng đầu Phòng ĐKKD khi xem xét hồ sơ đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập của Cty Hà Nam, đáng ra ông Nguyễn Văn Hợi biết rõ hồ sơ không hợp lệ và thuộc trường hợp phải từ chối cấp thay đổi ĐKKD hoặc ít ra là phải trả lại hồ sơ cho Cty Hà Nam để bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Mặc dù vậy ông Nguyễn Văn Hợi không từ chối cấp thay đổi ĐKKD, không trả lại hồ sơ để Cty Hà Nam bổ sung theo quy định, mà vẫn cố ý cấp Giấy thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5 cho Cty Hà Nam cho thấy đã có đầy đủ dấu hiệu phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Hành vi nêu trên của ông Nguyễn Văn Hợi đã tạo cơ hội cho ông Trần Anh Tuấn có tư cách cổ đông sáng lập Công ty để đưa ông Phạm Như Hùng ngồi vào vị trí Giám đốc Cty Hà Nam. Sau đó ông Trần Anh Tuấn chiếm đoạt toàn bộ tài sản của các nhà đầu tư đã ký hợp đồng với ông Phạm Văn Ảnh vào các năm 2005, 2006 và đầu năm 2007 để chuyển nhượng và cho người khác thuê”...
Theo kiến nghị của luật sư Hoàng Huy Được, một trong những nguyên tắc quan trọng của pháp chế và pháp luật XHCN là quyền sở hữu tài sản của công dân nói chung, quyền sở hữu hợp pháp của cổ đông sáng lập đối với 98,03% cổ phần tại Cty Hà Nam nói riêng được Hiến pháp và pháp luật dân sự bảo hộ. Những hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố vụ án ngày 4-7-2018, cần sớm có quyết định khởi tố bị can trong vụ án để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật hình sự, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Ban Bạn đọc