Loãng xương ở người cao tuổi là tình trạng xương bị xốp, thưa và giảm khối lượng xương. Lúc này, người bệnh dễ bị gãy xương và lún cột sống, gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
Biểu hiện, nguyên nhân gây bệnh
Loãng xương là bệnh lý diễn ra âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng. Thông thường ở giai đoạn đầu, bệnh sẽ không có biểu hiện gì. Khi loãng xương ở mức độ nặng sẽ có một số dấu hiệu như:
- Đau nhức xương khớp và cột sống, đây là dấu hiệu thường gặp nhất. Cơn đau nhức thường xảy ra ở các khớp như thắt lưng, khớp gối, khớp háng…
- Giảm chiều cao, cột sống gù hoặc vẹo.
- Dễ bị gãy xương do va chạm nhẹ hoặc ngã.
- Có thể gặp tình trạng chuột rút, đổ nhiều mồ hôi, cảm thấy ớn lạnh…
Nhiều người cho rằng loãng xương không nguy hiểm tới sức khỏe bởi không gây ảnh hưởng tính mạng. Tuy nhiên, mức độ loãng xương ở mỗi người là khác nhau và nếu không điều trị loãng xương có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sinh hoạt hằng ngày, trong trường hợp nặng có thể gây tàn phế hoặc tử vong.
Nguyên nhân gây loãng xương ở người cao tuổi được chia làm 2 loại: thứ phát và nguyên phát.
- Nguyên nhân thứ phát gây loãng xương ở người cao tuổi thường gặp là: Dùng thuốc; có tiền sử chấn thương về xương khớp; người mắc một số bệnh mạn tính như bệnh nội tiết liên quan tới tuyến giáp, bệnh thận nặng…
- Nguyên nhân nguyên phát: Là nguyên nhân thường gặp gây loãng xương ở người cao tuổi. Tuổi càng cao, xương càng trở nên mỏng đi và quá trình tái tạo xương cũng giảm xuống do thói quen ít vận động. Hơn nữa, người cao tuổi thường ít ra ngoài, khả năng tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời cũng giảm xuống. Theo thời gian, các cơ quan trong cơ thể cũng dần lão hóa từ đó làm giảm khả năng hấp thụ canxi gây loãng xương.
Cách phòng tránh mắc bệnh loãng xương
Loãng xương ở người già có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
- Chế độ dinh dưỡng: Để phòng ngừa bệnh, người cao tuổi cần thực hiện chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ và phù hợp với nhu cầu cơ thể, đặc biệt là bổ sung đủ khoáng chất (canxi và protid). Theo nghiên cứu, bên cạnh các bữa ăn, người cao tuổi nên uống thêm từ 500-1.000ml sữa mỗi ngày, bất kể là sữa tươi, sữa chua hay sữa bột.
- Chế độ tập luyện: Một chế độ vận động đều đặn, vừa sức và tăng cường các hoạt động ngoài trời không chỉ tốt cho tim mạch, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa… mà còn có tác dụng tích cực lên hệ xương khớp. Tập luyện đều đặn giúp chống thoái hóa, tăng cường hoạt động của các tế bào sinh xương, tăng cường hấp thu canxi và protid.
Chăm sóc bệnh nhân loãng xương
Để chăm sóc người già bị loãng xương, người thân và gia đình cần hỗ trợ người bệnh: Tăng cường thực hiện các bài tập phù hợp với thể trạng như đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga… Người cao tuổi nên vận động từ 30-45 phút mỗi ngày; nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng để không gây thêm tổn thương cho hệ xương khớp; hạn chế uống rượu bia, nước có ga, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích khác vì chúng sẽ cản trở việc điều trị, làm cho tình trạng loãng xương càng thêm nghiêm trọng; bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin D như: sữa, hải sản, tôm, cua, cá, các loại đậu, mộc nhĩ, bông cải xanh, bắp cải, rau chân vịt,….;
Thành An