Gần 6 năm phục vụ quân đội là vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong Binh chủng Đặc công, đặc biệt tinh nhuệ. Anh được huấn luyện cơ bản rồi làm nhiệm vụ tại Lữ đoàn kiểm soát quân sự, thuộc Ủy ban quân quản thành phố Hồ Chí Minh. Biết bao khó khăn, phức tạp và nguy hiểm trong một đô thị lớn, sào huyệt của kẻ thù mới được giải phóng. Tình đồng chí, đồng đội đã được đong đầy để rồi hơn 32 năm sau, tháng 5-2010, anh lại được sống trong tình cảm đầm ấm ấy. Đó là Hội CCB Ban Tổ chức T.Ư thành lập, thời gian sau, anh được chỉ định là Chủ tịch lâm thời của Hội. Hai năm qua, tổ chức Hội phát triển từ 7 lên 11 chi hội, số hội viên kết nạp lên tới 84 đồng chí. Tuy phải kiêm nhiệm, phân tán nhưng Hội dần dần khẳng định vai trò vị trò là một tổ chức chính trị xã hội của mình. Hội viên CCB dù ở vị trí công tác nào cũng đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, chấp hành chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế của cơ quan, tham mưu cho lãnh đạo nhiều nội dung quan trọng trình BCH T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác đổi mới xây dựng Đảng, công tác cán bộ, đảng viên và công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Hội viên tham gia nghiên cứu nhiều đề tài cấp Nhà nước và ban, được các nhà khoa học, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao và đưa vào thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Bình xét hàng năm có 100% số hội viên được xếp loại lao động tiên tiến, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều đồng chí được công nhận là chiến sĩ thi đua, được tặng bằng khen, giấy khen và những danh hiệu vinh dự khác.
Hội tích cực xây dựng quỹ vốn, trích trên 40 triệu đồng may đồng phục cho hội viên. Ngoài ra Hội còn tận tình thăm hỏi hội viên khi đau ốm, có khó khăn, tặng quà tri ân các gia đình có công; phối hợp với Đoàn thanh niên cơ quan tặng quà cho các cháu ở trại trẻ mồ côi và các cháu là học sinh giỏi trong năm học 2011-2012…
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, chi hội 10 cho biết: Chi hội chỉ có 6 hội viên nhưng hầu hết đều tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Cam-pu-chia. Nay thường xuyên phải đi công tác, xa cơ quan, xa sự lãnh đạo và phải làm thêm nhiều việc nhưng ai cũng phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tự giác rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ. CCB Nguyễn Xuân Sơn, chi hội 9 tâm sự: Trong đợt tổng động viên, trường đại học của tôi có 1.300 sinh viên và giảng viên lên đường ra mặt trận và hơn 900 người đã vĩnh viễn nằm lại trên các nẻo đường Tổ quốc; chỉ còn hơn 300 người được may mắn trở về, trong đó có tôi. Tôi được cống hiến và hưởng thành tựu phát triển của đất nước như ngày nay là nhờ các đồng đội đã hi sinh. Khi làm việc, tôi luôn nghĩ mình đã qua thử thách khó khăn nhất và hiệu quả cũng phải cao nhất.
Cũng trong tâm trạng xúc động ấy, hội viên Nguyễn Danh Mộc kể: Những chuyến đi do Hội CCB tổ chức về Tân Trào, thăm các khu di tích K9, T.Ư Cục miền Nam, NTLS Trường Sơn, Đường 9, Ngã ba Đồng Lộc, xem bộ phim “Mùi cỏ cháy” đoạt giải Cánh diều vàng năm 2011… đã có tác dụng thiết thực, bổ ích. Chúng tôi tự hào về truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, từ đó nêu cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong công tác, mở rộng quan hệ tình cảm, gắn bó hội viên với nhau, với cán bộ, công chức và các đoàn thể trong cơ quan.
Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết: CCB là những người được tôi rèn qua nhiều chiến trường ác liệt mà có bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm kiên trung, có tài trí thông minh và sáng tạo. Do đó đóng góp của Hội CCB với cơ quan là rất quan trọng, là nòng cốt. Hội viên được cơ quan chia sẻ, đồng cảm với tình đồng chí, đồng cấp, đồng sự. Cơ quan tin cậy ở hội viên, đó là những người biết chấp nhận khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng giao phó, xứng đáng là CCB Việt Nam, là anh lính “Cụ Hồ” trong Ban Tổ chức T.Ư.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm