Liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư (đứng thứ hai từ trái) cùng chỉ huy Trung đoàn 10 (ảnh do CCB Dương Xuân Quang cung cấp).
Đang là Trung đoàn phó trẻ tuổi nhất Quân khu 9 (26 tuổi, e phó e10, f4) vời bề dày chiến công xuất sắc, trong một trận đánh ngày 17-1-1973, Thiếu tá Nguyễn Xuân Thư quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã dũng cảm hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên đất Hậu Giang.
Tuổi trẻ dày chiến công
Sinh năm 1946 ở vùng quê có tinh thần yêu nước xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, là con thứ 3 trong gia đình có 7 người con và có bố cũng là người tham gia kháng chiến chống Pháp, nên mặc dù thân hình mảnh khảnh nhưng vừa chớm tuổi thanh niên, Nguyễn Xuân Thư đã mong muốn nhập ngũ đánh giặc Mỹ.
Năm 1964, khi mới vừa tròn 18 tuổi đang là học sinh lớp 7 và thuộc số ít người có trình độ văn hóa cao lúc bấy giờ, có cơ hội để học lên cao hơn, nhưng Nguyễn Xuân Thư đã gác lại chuyện bút nghiên, viết đơn xin nhập ngũ vào chiến trường miền Nam đánh giặc Mỹ.
Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới tại Nghệ An, Xuân Thư hành quân vào chiến trường miền Nam; được biên chế vào Đại đội 18, Trung đoàn 95 chiến đấu ở Quảng Trị. Đến tháng 11-1964, anh được chuyển qua Trung đoàn 10, rồi hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Chiến đấu trên chiến trường miền Trung - Tây Nguyên một thời gian, Nguyễn Xuân Thư trưởng thành là cán bộ đại đội; tiểu đoàn; đã tham gia chỉ huy đơn vị lập được nhiều chiến công, như phục kích 4 trận đánh địch trên đường 19 và các đồn địch tại tỉnh Gia Lai; tiêu diệt cứ điểm địch tại Kan Nắk…
“Tôi còn nhớ mãi trận đánh Tống Binh, mùa mưa năm 1968 vào căn cứ Lữ dù 101 của ngụy tại Phú Yên. Lúc đó mới qua tổng tấn công nổi dậy xuân 1968 nên quân thiếu, vũ khí thiếu; đơn vị chúng tôi bị Lữ dù 101 đổ quân bao vây. Anh Thư bấy giờ còn là cán bộ đại đội, mũi tấn công của chúng tôi chỉ có 6 đồng chí được giao nhiệm vụ đánh vào sở chỉ huy địch. Vũ khí chỉ có mỗi người một khẩu AK và vài quả lựu đạn. Mới đánh được vòng ngoài sở chỉ huy thì 2 đồng chí trúng lựu đạn địch hy sinh, tôi thì bị thương. Nhưng anh Thư và hai đồng chí còn lại vẫn dũng cảm đánh chiếm được sở chỉ huy địch. Mặc dù, sau đó địch đã chiếm lại được sở chỉ huy nhưng trận đánh đã phá được vòng vây của quân địch” - Anh hùng LLVTND Hoàng Đình Kiền, quê Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nhớ lại.
Cuốn “Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 10, Sư đoàn 4, Quân khu 9” do NXB QĐND xuất bản năm 2015, nhân 70 năm thành lập đơn vị, cũng đã ghi lại nhiều chiến công của Trung đoàn 10 và nhiều lần nhắc đến chiến công của liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư qua các trận đánh. Theo tư liệu từ cuốn sách thì từ năm 1964 đến 1973 (Nguyễn Xuân Thư hy sinh ngày 27-1-1973), Trung đoàn 10 và Nguyễn Xuân Thư đã đánh hơn 100 trận lớn nhỏ dành nhiều chiến thắng quan trọng, tiêu diệt nhiều địch, khí tài, xe quân sự của Mỹ - ngụy dọc từ các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… Nhưng để giành được những chiến công đó, Trung đoàn 10 suốt chặng đường đánh giặc Mỹ - ngụy từ năm 1964 đến 30-4-1975 cũng đã chịu nhiều mất mát với hơn 3.522 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; nhiều liệt sĩ nay vẫn chưa tìm được hài cốt, trong đó, có liệt sĩ, Thiếu tá Nguyễn Xuân Thư.
Trong tình cảm và ý nguyện của đồng chí, đồng đội
Anh hùng LLVTND Lê Văn Kiệm trú tại T.P Cà Mau, tỉnh Cà Mau nói về liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư: “Tôi là chiến sĩ của anh Thư từ năm 1970 đến 1973 và tham gia nhiều trận đánh. Anh là người dũng cảm, mưu trí, thương anh em đồng đội. Tôi còn nhớ trận đánh vào căn cứ hành quân sư đoàn 21 của địch ở Bà Thầy - Nong Cạn tại U Minh, Cà Mau vào tháng 4-1972. Lúc đó anh Thư là Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đánh căn cứ địch vào ban đêm. Trong khi quân địch được hỗ trợ pháo binh, không quân, ở trong trận địa kiên cố, quân ta vừa mỏng vừa nằm ở ngoài trận địa lại bị uy hiếp bởi pháo binh, bom của địch. Nhưng anh Thư đã mưu trí chỉ huy đơn vị tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều khí tài chiến đấu của địch. Lúc trời sáng để đảm bảo rút quân an toàn anh đã ở lại với cánh quân cuối cùng yểm trợ cho các cánh quân khác rút quân và đưa anh em bị thương, hy sinh rút khỏi trận địa an toàn. Thực sự những năm sống, chiến đấu với anh ấy tôi hết sức cảm phục tinh thần, trách nhiệm, quan tâm đồng đội, mưu trí trong chiến đấu của anh Thư”.
Để mở rộng vùng giải phóng Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện (nay là thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) nhằm gây áp lực với địch tại bàn Hội nghị Paris, đêm 27-1 rạng sáng ngày 28-1-1973, Tiểu đoàn của anh Thư tranh thủ đánh chiếm căn cứ của địch. Trước tình thế quân ta ngày càng chiếm được nhiều cứ điểm, địch đã điên cuồng pháo kích, dùng máy bay ném bom vào trận địa quân ta. Công sự, hầm hào quân ta bị đánh sập, nhiều chiến sĩ, cán bộ hy sinh. Trong một trận bom của địch đã đánh trúng hầm chỉ huy Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 10, đồng chí Nguyễn Xuân Thư đã hy sinh cùng một số chỉ huy Tiểu đoàn 7.
Sau trận đánh vào đêm 27-1-1973 của Tiểu đoàn 7 tại Long Mỹ, thi hài liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư không tìm thấy. Đến năm 1975, gia đình mới nhận được giấy báo tử, vẻn vẹn với thông tin anh hy sinh tại mặt trận phía Nam. Cũng như nhiều người lính lúc bấy giờ, từ ngày nhập ngũ đến lúc hy sinh gần 10 năm, Nguyễn Xuân Thư cũng chỉ có vài lá thư ngắn ngủi gửi về gia đình. Ngay cả một tấm ảnh chân dung làm ảnh thờ cho liệt sĩ cũng không có.
Năm 2008, được sự giúp đỡ của CCB Dương Xuân Quang - thành viên Ban Liên lạc Trung đoàn 10 cung cấp cho gia đình một tấm ảnh có anh Nguyễn Xuân Thư chụp chung với chỉ huy đơn vị trong một cuộc họp.
“Ngày nhận được bức ảnh của anh trai Nguyễn Xuân Thư gia đình tôi xúc động vô cùng. Bức ảnh đen trắng được đồng đội của bác ấy lưu giữ cẩn thận nên vẫn còn rõ khuôn mặt của bác ấy. Chỉ buồn trong bức ảnh đó không chỉ bác Thư mà nhiều cán bộ đơn vị của bác cũng đã hy sinh. Buồn hơn mong mỏi của bố tôi được nhìn hình ảnh của bác ấy trước lúc qua đời đã không kịp. Bởi lúc gia đình nhận được bức ảnh bố tôi đã qua đời” - CCB Nguyễn Tiến Hùng (em trai liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư) bùi ngùi nói.
Sau bao nhiêu năm cố công tìm kiếm với sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, đồng chí đồng đội, nhưng gia đình vân không tìm được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư. Mãi đến năm 2011, từ sự quyết tâm cao của gia đình, Ban Liên lạc Trung đoàn 10 những người đồng đội cùng chiến đấu với liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư đã xác định được nơi liệt sĩ hy sinh năm xưa. Từ đó gia đình, đồng đội đã vào lấy nắm đất nơi liệt sĩ hy sinh đem về đặt trong lăng mộ của liệt sĩ tại nghĩa trang quê nhà, cạnh mộ bố mẹ.
“Liệt sĩ Nguyễn XuânThư là người thông minh, sáng dạ, sống chan hòa yêu quý đồng đội. Anh hy sinh cả tuổi xuân, gác luôn việc cá nhân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc nên khi gia đình mong muốn chúng tôi giúp đỡ để tìm nơi anh hy sinh và hài cốt anh, tất cả mọi người đều xung phong đi mặc dù tất cả đều đã tuổi cao sức yếu” - CCB Dương Xuân Quang, thành viên Ban Liên lạc Trung đoàn 10 chia sẻ.
Đã hơn 50 năm từ ngày liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư hy sinh nhưng những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tình cảm của anh dành cho đồng đội mọi người vẫn nhớ như in. Với nhứng chiến công và sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Xuân Thư, gia đình và các đồng đội trong đó có những người từng là cấp dưới của liệt sĩ, mong mỏi anh sẽ được Nhà nước truy tặng anh danh hiệu Anh hùng LLVTND.
“Tôi sát cánh cùng anh Thư từ ngày nhập ngũ đến ngày anh hy sinh. Lúc đó làm gì được học qua trường lớp quân sự nào, nhưng anh Thư là người sáng dạ, kiên quyết, can đảm nên được đơn vị tín cử, ghi nhận nên sớm trở thành chỉ huy tiểu đoàn rồi trung đoàn. Tôi cũng có thời gian dài là cấp dưới của anh, bên anh qua hàng trăm trận đánh nên hiểu được những đóng góp của anh trong từng trận đánh. So với nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng thời kỳ, trong đó có nhiều người là cấp dưới của anh Thư nay cũng đã được phong tặng Anh hùng LLVTND, mà anh Thư chưa được. Chúng tôi mong anh được Nhà nước truy tặng Anh hùng LLVTND, ghi nhận đóng góp của anh với công cuộc giải phóng đất nước, công lao với đơn vị và cũng là sự động viên gia đình, người thân anh Thư” - CCB Anh hùng LLVTND Trung tá Hoàng Đình Kiển (quê Thanh Chương, Nghệ An, đồng đội liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư) bày tỏ.
Xuân Hòa