Cách quốc lộ 1A và cây cầu sắt Tống Giang gần 1km về phía đông của huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá liền kề với xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, là ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo (di tích cấp quốc gia) ở làng Thổ Khối, xã Hà Dương (nay là Yên Dương) rất thuận tiện để mỗi khi du khách đến tham quan vãn cảnh, chiêm bái Đức Thánh Trần. Gắn liền với đền Trần là lễ hội truyền thống và lễ khai ấn hằng năm. Lễ hội truyền thống và lễ khai ấn ở đây được xem là “bảo tàng sống” về văn hóa dân gian, một nét văn hóa độc đáo ở Xứ Thanh đang được bảo lưu gìn giữ nhân lên giá trị, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, gắn với tuor du lịch trọng điểm của tỉnh và hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Đức Thánh Trần

Cuộc đời và sự nghiệp lẫm liệt của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn gắn liền với cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, với những chiến công hiển hách của dân tộc ta ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từ Thiên Trường vào Thanh Hóa, chọn vùng đất Thổ Khối làm địa điểm lui binh chiến lược, ngày đêm luyện tập binh sĩ, củng cố quân lương... rồi xuất thần tiến quân ra Bắc làm nên chiến thắng Tây Kết, Hàm Tử - Chương Dương đưa cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 đến thắng lợi hoàn toàn.

Mùa thu năm Canh Tý (ngày 20-8 âm lịch), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn qua đời. Sau khi ông mất, triều đình và nhân dân trong cả nước kính ngưỡng lập đền thờ Ngài. Nhân dân làng Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà Trung cũng lập đền thờ để tri ân ông ngay bên dòng sông Tống, quanh năm hương khói phụng thờ. Tương truyền, từ xa xưa vào đêm 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm, làng thường tổ chức Lễ Khai ấn tại ngôi đền thờ ông với ý nghĩa ban tài, ban lộc cho dân làng. Nhưng từ nhiều lý do khác nhau, lễ Khai ấn Đền Trần bị gián đoạn không được duy trì thường xuyên.

Lễ hội và lễ khai ấn Đền Trần, làng Thổ Khối

Phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, theo thông lệ, lễ hội chính Đền Trần được tổ chức từ ngày 19 đến 21 tháng tám âm lịch hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, giáo dục truyền thống yêu nước đánh giặc ngoại xâm của ông cha ta ở thời Trần, động viên các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng nông thôn mới trên quê hương. Lễ Khai ấn Đền Trần được tổ chức vào đêm 14 tháng giêng theo nghi lễ truyền thống, với hai phần: Lễ và Hội. Trước khi vào lễ chính, buổi chiều hôm đó nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống: Múa rồng, múa lân, bắt cá… diễn ra sôi nổi thu hút người dân trong vùng, làm cho không khí vào hội trở nên tưng bừng, nhộn nhịp...

Giờ khai ấn được thực hiện vào đúng 12 giờ đêm. Trước đó 15 phút, tại cung cấm (nơi đặt tượng Đức Thánh Trần), Ban tổ chức chuẩn bị các điều kiện để tiến hành nghi lễ khai ấn. Ngay sau đó là lễ dâng sớ. Lễ dâng sớ gồm một mâm cỗ chín (có xôi, thủ lợn hoặc gà), mâm lễ chay gồm: Hương, hoa, đăng, trà, quả. Chủ lễ là vị đại diện cho chính quyền xã trang trọng đọc lời khai mạc. Tiếp đó, Đội hành lễ từ từ đi vào tiền đường, qua trung đường và dừng lại, dâng sớ lên Đức Thánh Trần ngự ở hậu cung. Ông Trưởng ban thường trực đền vào cung cấm khai ấn. Mỗi vị đại diện chỉ đóng một lá ấn. Các lá ấn được đóng xong và bỏ vào hòm đựng ấn. Ban thường trực đền tiến hành rước ấn ra cung tiền đường đóng ấn và khấn tấu. Lễ khai ấn tại cung cấm được diễn ra trong điệu nhạc lưu thủy, hành vân, nhạc dâng hương... nổi lên rộn rã cho đến khi ấn được rước ra đặt tại cung tiền đường. Địa phương cử ra một người có giọng đọc tốt để đọc chúc văn. Sau bài phát biểu của vị đại diện cho cấp ủy địa phương, Ban tổ chức mời đại biểu lên dâng hương. Sau lễ dâng hương, Ban tổ chức tiến hành phát lá ấn cho đại biểu, nhân dân và du khách. Lễ phát ấn được tiến hành trong đêm 14 và đến hết ngày Rằm tháng Giêng. Ai đến dự lễ, nét mặt đều vui vẻ, rạng rỡ vì có được một lá ấn để cầu tài, cầu lộc, cầu may đầu xuân và cả năm mọi việc đều tốt đẹp, hanh thông.

Sau lễ phát ấn, các đội tế (vũ công, nhạc công) trong trang phục sắc tộc tiến hành nghi lễ: tế dâng hương, dâng hoa, dâng rượu… Tiếp đó là phần lễ do nam thanh, nữ tú được các làng Cao Lũng, Đoài Thôn, Đông Thôn, Thổ Khối cử ra thực hiện. Mỗi làng dâng lên 2 mâm cỗ (1 mâm lễ chín, 1 mâm lễ chay) thật thịnh soạn. Những người được cử vào đội dâng lễ, ai nấy đều vui mừng, trang trọng, tỏ lòng thành kính dâng lên Đức Thánh Trần những món ngon “sơn hào, hải vị” để tri ân công đức của Ngài trong ngày hội lớn đầy ắp niềm vui, tiếng cười.

Những ngày sau đó, người trong làng, ngoài xã đến với Lễ hội khai ấn Đền Trần đông nườm nượp. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, diễn xướng, rước nước, đua thuyền trên sông Tống... tiếp tục diễn ra ở nhiều điểm khác nhau trong xã, làm cho đời sống văn hóa ở địa phương thêm phong phú, thi vị, đầy ý nghĩa...

Quần thể di tích đền Trần hiện đã thay đổi diện mạo giữ được nét đẹp kiến trúc văn hoá thời Trần tinh xảo cầu kỳ, môi trường sinh thái hài hoà, ứng xử văn hoá, thân thiện… Lễ hội truyền thống, lễ khai ấn Đền Trần làng Thổ Khối được khôi phục, phục dựng ngày càng chuyên nghiệp hơn, Phòng VHTTDL huyện trực tiếp quản lý, phối hợp với chính quyền xã tổ chức các sự kiện diễn ra tại di tích.

Di sản văn hóa Đền Trần với những nét văn hoá độc đáo ở Xứ Thanh, là điểm đến du lịch tiềm năng, hấp dẫn, thu hút nhân dân và du khách gần xa.

 Lê Như Cương