Ngày 29/12, tại Hà Nội, chủ trì cuộc họp báo triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Người phát ngôn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và ở địa phương.
Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.
Ý kiến đóng góp của nhân dân được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các cơ quan thông tấn, báo chí nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh ý kiến của nhân dân; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm:góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 của Nghị quyết số 38/2012/QH13; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua trang thông tin điện tử của Quốc hội http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức phù hợp khác.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có quy định cơ quan bảo hiến trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này hay không, ông Phan Trung Lý cho biết tuy có nhiều cách gọi khác nhau nhưng khái niệm bảo hiến là cơ quan bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm thi hành Hiến pháp.
Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu và qua nghiên cứu, hiện Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã dự thảo trình lấy ý kiến nhân dân có quy định về Hội đồng Hiến pháp. Nhiệm vụ của Hội đồng là phát hiện những vi phạm, đặc biệt là văn bản quy phạm để phù hợp với quy định của Hiến pháp.<
Ông Phan Trung Lý cho biết thêm Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Hội nghị được tổ chức trực tuyến và truyền hình trực tiếp để tuyên truyền về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.
Cao Thúy