CCB Trương Quang Ân giới thiệu kinh nghiệm nuôi ong.
Cùng CCB Nguyễn Đức Nghiêm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa tham quan mô hình nuôi ong của CCB Trương Quang Ân ở thôn Trung Chính, xã Hoạt Giang, chúng tôi không khỏi cảm phục trước nghị lực và cách làm của ông. Năm nay đã 74 tuổi, lại là bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam, nhưng CCB Trương Quang Ân vẫn hăng say làm kinh tế giỏi.
Nhìn dáng người mảnh khảnh, nước sạm nắng, nhanh nhẹn vác chiếc thang tre dẫn chúng tôi lên vườn đồi trước nhà, tôi cảm nhận được sự cần mẫn, linh hoạt của ông trong công việc. Khu vườn đồi thoai thoải rộng khoảng 1.500m2, dưới những tán cây nhãn, vải, na, keo... ông đặt những thùng nuôi ong mật. Ông say sưa giới thiệu với chúng tôi khá chi tiết về nghề nuôi ong.
Ông Ân nuôi ong từ năm 2014, ban đầu ông chỉ đặt vài ba tổ, nay đã phát triển lên tới 150 thùng ong. Ông cao hứng “khoe” rằng, trong thôn này còn có hàng chục gia đình nuôi ong mật với dăm bảy chục thùng mỗi hộ. Họ đều mua giống ong do ông nhân ra. Tổ liên kết nuôi ong thương phẩm thôn Trung Chính sớm hình thành, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Ông Ân hào hứng kể về cách thức, kỹ thuật nuôi ong mật: Thùng nuôi ong làm bằng gỗ, mua với giá từ 150.000-250.000 đồng/thùng, mỗi thùng đặt từ 3-5 cầu, có một ong chúa và những ong thợ, ong chúa mỗi năm thay từ 1-2 lần. Trong tổ ong cần duy trì nhiệt độ từ 35-36 độ C sẽ giúp trứng chuyển hóa thành ong con (nóng hoặc lạnh quá sẽ không tốt)… Ong sinh sản từ 1 tổ nhân thành 2-4 tổ mỗi năm, số lượng con không tính đếm được. Thu hoạch mật từ tháng 2 đến 7 dương lịch, từ 5-7 ngày quay mật 1 lần bằng thùng quay ly tâm. Khi quay mật, 4 cầu/thùng chỉ lấy mật 2 cầu, còn lại để làm thức ăn cho ong. Mỗi năm thu hoạch được khoảng 7tạ mật từ 150 thùng nuôi, giá bán khoảng 200.000 đồng/kg (mật nhãn).
Các hộ liên kết nuôi ong ở địa phương quen gọi ông Ân là “lão tướng nuôi ong”. Bởi ông là người đầu tiên trong thôn sản xuất mật ong hàng hóa. Ong giống để họ nuôi cũng do ông sản xuất. Ông cũng là người hướng dẫn, giúp đỡ họ; chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong để cùng với họ làm giàu.
Tôi chợt nhớ tới những điều đã được nghe kể về ông mà thêm cảm mến: Ông nhập ngũ năm 1969, từng tham gia chiến đấu tại các chiến trường miền Đông, miền Tây Nam bộ. Sau khi trở ra học tại Trường sĩ quan Chính trị ở tỉnh Bắc Ninh, ông được điều về Trung tâm Huấn luyện sư đoàn 442 ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa); ra quân năm 1987 với quân hàm Trung úy… Những ngày đầu về với làng xóm, ông và gia đình gặp phải muôn vàn khó khăn. Ông Ân trăn trở bàn kế mưu sinh, quyết không cam chịu đói nghèo. Và nghề nuôi ong lấy mật đã đến với ông từ lúc nào như một cái “duyên” vậy.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Trương Quang Ân còn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông là Chi ủy viên Chi bộ thôn, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn, Phó chủ nhiệm CLB CCB làm kinh tế giỏi và Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin xã Hoạt Giang. Ông luôn thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động an sinh xã hội ở địa phương như đóng góp ủng hộ số tiền 20 triệu đồng/năm để xây dựng quỹ hỗ trợ người nghèo, học sinh nghèo vượt khó.
Chủ tịch Hội CCB xã Hoạt Giang - Nguyễn Tiến Hữu nhận xét: “CCB Trương Quang Ân là hội viên cao tuổi gương mẫu về mọi mặt. Đặc biệt là đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa, Nông thôn mới, được nhân dân quý mến, hội viên trong xã noi theo…”.
Bài và ảnh: Lê Như Cương