Lão 67 tuổi, người nhỏ thó, dáng gầy guộc, tóc lơ phơ, cặp kính mắt đen xì, cũ rích, to đùng che gần hết nửa khuôn mặt. Cái ria mép mọc không quy củ khiến lão thêm “bụi”, lộ rõ chất "anh hai".
Lão vui tính, ăn nói hài đáo để. Lão cất lời là cả cái phòng 11, tầng C trên tàu HQ 571 cười nghiêng ngả. Cũng nhờ cái khiếu hài và kho tàng ngôn ngữ giàu cảm xúc của lão mà anh em trong đoàn công tác tề tựu chè nước mỗi lúc một đông ở phòng lão. Miệng lão lúc nào cũng như phát ra âm thanh, nhưng ý và tứ của mỗi câu từ lại thâm thúy, sâu sắc lắm.
Sau mấy ngày hàn huyên, lão để lộ bản chất “hai lúa”. Lão tâm niệm: “Sống dân dã cho đã một đời”... rồi lúi húi với đống đồ nghề câu trên đẳng cấp chuyên nghiệp. Nom lão chuẩn bị câu đến rõ khổ, có khi mất đến vài tiếng đồng hồ, vậy mà lão cứ ngồi lỳ, luôn tay, bấm, cuốn, uốn, bện chì, nối cước.... Quý mến lão, anh em trong đoàn công tác đặc phong cho lão học vị danh giá: “Giáo sư cá học”. Có người lại nghêu ngao hát nhái bài “Anh Ba Hưng” tặng lão: “Anh ba Quý... quê ở Bình Thuân (thuận), cuộc sống lâu nay, đơn sơ mà chân chất. Nổi tiếng thật thà anh ba Quý chịu chơi...”. Chỉ cần nghe có thế, lão cười oang oang, sướng ra mặt: “Thằng này khá, xứng đáng là em của anh Ba”.
Lão xởi lởi, vui tính, dễ gần là vậy nên chẳng mấy người để ý đến quá khứ hào hùng và đáng kính của lão. Lão đã từng có nhiều năm là Đảng ủy viên tỉnh ủy Bình Thuận, nguyên là giám đốc của nhiều sở quan trọng trong tỉnh... Cuộc đời đi khắp từ Bắc vào Nam. Lão cũng từng được ra nước ngoài học tập, công tác, rồi về nước đóng góp ở nhiều cương vị khác nhau. Trải lòng với thằng em, lão tâm niệm: “Đời người ngắn ngủi lắm. Anh mày cố gắng rèn cách sống nông dân cho giống với dân em ạ! Đời mình làm quan mãi rồi, giờ học làm dân mới khó. Hơn nữa, thiên hạ đúc rút rồi: “Quan nhất thời dân vạn đại” mà em.
Mỗi bận hàn huyên, lão “buôn dưa lê” trăm loại chủ đề trên trời, dưới biển. Phải công nhận, lão có vốn kiến thức rộng đáng nể, nhất là kiến thức về các loài cá và kỹ thuật câu cá. Lão cũng công khai niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời là được câu cá.
Lão rất tự hào về chiến tích câu của mấy chục năm buông cần có lẻ, rằng sau kháng chiến chống Mỹ, khi còn công tác ngoài Bắc, đã nhiều lần lão câu được cá to ở sông Hồng, sông Đuống, sông Thương... Tại quê nhà Bình Thuận, tranh thủ lúc rảnh rỗi hay dịp cuối tuần, lão gánh gồng bộ đồ nghề cùng đám bạn đi câu tại vùng biển Mũi Né, Hòn Lao, Côn Đảo và nhiều điểm câu xa xôi khác. Nhiều lần lão đã tậu được cá to, nặng tới chục cân như: cá hồng, cá mú, cá thu bè, cá đuối... Chiến tích câu là vậy, nhưng lão chưa hài lòng, lão khao khát một lần câu cá ở Trường Sa.
“Đó là ngư trường lớn của dân tộc. Đi câu ở Trường Sa để ngắm biển cả mênh mông; câu để cảm nhận Tổ quốc mình rộng dài, để tận mắt chứng kiến sự trù phú của nguồn thủy sản, sự giàu có của thiên nhiên Việt Nam”, lão bộc bạch với giọng trầm ấm khác xa với cái ngữ điệu thường ngày của lão. Có lẽ cũng bởi tình cảm riêng đó mà lần này đi Trường Sa Lão không quên mang theo gần 3.500 mét cước, 2.000 lưỡi câu các loại và một số ngư cụ khác để tặng cán bộ, chiến sĩ hải quân. Lão cũng không quên chuẩn bị cho mình bộ cần câu siêu sành điệu gồm máy hiệu Daiwa của Nhật và cần câu Shi-ma-no, cùng cước Nhật trị giá gần 10 triệu đồng chứ chẳng ít.
Đêm nào cũng vậy, khi biết tin tàu neo tránh bão, lão réo lên sung sướng. Như mặc định về thời gian, khoảng từ 20 giờ đến 24 giờ, lão nép người trên boong tàu, cong cong buông cần. Mấy ngày đầu, sở trường câu cá ven bờ của lão chưa “bén duyên” với khơi xa. Chẳng tăm được mống nào, anh em nói khía lão “Giáo sư lý thuyết suông”. Lão tức anh ách: “Được rồi, các vị cứ gióng mắt lên mà chờ nhé. Biển này là của ta, cá vàng là của ta”... Cũng bởi cái câu thán đa nghĩa ấy mà lão được rinh tiếp biệt danh: Lão “gàn” và con cá vàng!.
Lão nói được làm được. Mấy ngày sau đó, nắm được quy luật săn mồi của cá biển và “học hỏi” kinh nghiệm câu của một số “cần thủ” cùng tàu, lão bắt đầu câu được nhiều cá lớn. Một đêm, sau gần 2 tiếng đồng hồ “hưởng” mưa phùn, gió bấc, đột nhiên dây cước câu của lão bị giật mạnh, lão hét lên: “Cá vàng đây rồi! Cá vàng đây rồi”. Lão nhanh tay cuộn cước, vừa kéo vừa thả cho cá đuối sức. Cứ thế, lão quật lộn mấy chục phút với con cá biển. Đến khi con cá nổi lên mặt nước, nhờ sự hỗ trợ của “đồng nghiệp” dùng khấu móc vào mang cá, kéo lên tàu cũng là lúc lão mệt lả, vậy mà lão vất đắc ý bâng quơ một câu át tiếng sóng: “Các vị thấy rồi đấy nhé! Anh Ba nói là anh Ba làm!”
Mà đúng thật, tự tay lão đã tăm được một con cá khủng. Nó vàng óng, lóng lánh, nặng lên đến 20kg có thừa. Mọi người vỗ tay hò reo, hoan hô lão. Còn tôi thì đắc ý: “Đúng là ông “gàn” đã câu được cá vàng”.
Lão vỗ vai tôi, giọng run lên vì sướng: “Tài nguyên của chúng ta đây chứ còn ở đâu, tài sản của dân tộc đây chứ ở đâu nữa. Chúng ta phải bảo vệ và biết cách làm chủ, khai thác phải không các chú!”.
Buổi tối hôm đó, Đoàn công tác và anh em thủy thủ tàu được một bữa cải thiện linh đình. Trong bữa, lão bỗng bỏ bát vì một cuộc điện thoại từ đất liền. Lão thập thò, hàn huyên cả tiếng đồng hồ. Tuy không nghe rõ đầu cuối câu chuyện riêng của lão, nhưng hình như lão đang bàn với đám bạn già ở quê về việc đề xuất với địa phương lập dự án các khu bảo tồn bảo vệ nguồn gen hải sản đang dần cạn kiệt. Rồi lão cho ý kiến gì gì đó cho chương trình thả cá, gây quỹ từ thiện, giúp ngư dân nghèo ở một số tỉnh miền Trung...
Kết thúc câu chuyện trong điện thoại, lão quay lại, giọng vui vẻ: “Anh Ba vừa bận tí việc. Anh Ba thấy có lỗi, các chú phạt anh Ba gì nào?”. Cả nhà ăn cười rộ, vang vọng cả một góc biển trời mênh mông.
Bút ký của Nguyễn Tấn Tuân