Giờ học song ngữ ở Trường tiểu học Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Năm học 2009-2010, Trường tiểu học Bản Phố, huyện Bắc Hà bắt đầu triển khai dạy song ngữ cho học sinh trong trường. Với mô hình dạy học này, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) được thầy, cô dạy đọc, viết bằng chính tiếng mẹ đẻ của các em, giúp các em học hiểu tốt nhất.
Phương pháp giáo dục song ngữ được các trường tổ chức dạy tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ thứ nhất, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Việc sử dụng hai ngôn ngữ linh hoạt, tiếng mẹ đẻ luôn hỗ trợ cho tiếng Việt trong quá trình dạy học giúp học sinh hiểu được các khái niệm, thuật ngữ khó trong bài. Thời lượng sử dụng mỗi ngôn ngữ cũng thay đổi theo từng khối lớp. Sự tác động hỗ trợ tự nhiên giữa 2 ngôn ngữ giúp cho năng lực các em tiếp thu được kiến thức và tiếp tục học lên cao với kết quả cao.
Em Vàng Thị Liên, dân tộc Mông, học sinh Trường tiểu học Bản Phố nói với chúng tôi: “Nhờ học hai ngôn ngữ nên em học bài dễ dàng hơn, những bài tập khó, không thể giải được, em có thể hỏi các bạn bằng ngôn ngữ của mình”.
Thầy giáo Hoàng Khắc Liêm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bản Phố cho biết: Việc triển khai dạy song ngữ Mông-Việt tại trường góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Các em học sinh dân tộc vốn rất nhút nhát, khi vào trường được học chính tiếng mẹ đẻ nên mạnh dạn, tự tin, thân thiện hơn rất nhiều. Khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt được nâng cao.
Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, mô hình góp phần bảo tồn và phát triển tiếng Mông trên địa bàn. Đội ngũ giáo viên được tập huấn, học tiếng Mông để dạy học nên các thầy cô cũng được trang bị vốn tiếng Mông cơ bản, sau này dù có chuyển công tác đi các trường khác các thầy cô giáo này sẽ là những người cùng với bà con truyền bá và phát triển tiếng Mông. Để thực hiện mô hình thí điểm này, đã có 50 giáo viên bậc mầm non và hơn 100 giáo viên tiểu học tham gia dạy tiếng Mông. Hiện nay, mô hình đã được triển khai nhân rộng ở một số trường của 4 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa và Mường Khương.
Trọng Bảo