Một cây gỗ lim cổ thụ quý hiếm ở huyện Nam Giang chỉ còn trơ lại gốc.
Thực trạng trên không chỉ ở Quảng Nam mà còn là một vấn nạn lớn đang tồn tại ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Như tại Gia Lai, trong các năm 2002 đến 2005, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai quản lý cả trăm héc-ta rừng phòng hộ... Tuy nhiên, đến nay, diện tích rừng trồng này ngày càng bị thu hẹp và đang biến mất. Tại Khánh Hòa, từ nhiều tháng nay, một nhóm “người lạ” đua nhau “cạo” núi ở các khu vực Hòn Trì, Hòn Ngang, Hòn Mới, Hòn Đỏ (vịnh Vân Phong) để chiếm dụng đất, diễn ra trong một thời gian dài mà vẫn chưa bị xử lí, rừng nơi đây vẫn đang bị “bức tử” với tầm mức chưa từng có...
Quay lại với Quảng Nam, tình hình đã “nóng” đến mức gần đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh - ông Lê Trí Thanh đã phải gửi tâm thư cho lực lượng kiểm lâm và các Ban quản lý rừng của tỉnh.
Rừng bị phá ở Hòn Trì, vịnh Vân Phong, Khánh Hòa.
Trong thư, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam chia sẻ, là lãnh đạo tỉnh được phân công theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực này, trong gần 3 năm qua, ông đã có nhiều chuyến cùng cán bộ kiểm lâm vượt dốc, băng rừng, lội suối để kiểm tra rừng, hạnh phúc với những cánh rừng già nguyên sinh còn xanh thẫm của Trường Sơn; trăn trở với những cây rừng mới trồng bị nắng chói, mưa dầm, dây leo, khó bề sinh trưởng; đau xót với những thân cây bị lâm tặc chặt gãy, nhựa còn ứa ra như rỉ máu... Đặc biệt đau lòng là lâm tặc tung hoành trong thời gian dài, cả cánh rừng bị phá nham nhở, hàng chục gốc cây cổ thụ quý hiếm gục ngã, “người dân địa phương đều biết mà các đồng chí lại không biết”.
Đúng là, nhiều vụ phá rừng xảy ra từ lâu, lâm tặc tung hoành trong thời gian dài, cả cánh rừng bị phá nham nhở, hàng chục gốc cây cổ thụ quí hiếm bị chặt hạ bằng cưa máy, kéo ra khỏi rừng thành lối mòn, rồi chở đi bằng cách nào, tập kết ở đâu, bán cho ai – người dân địa phương đều biết mà lực lượng kiểm lâm lại “không biết”, hoặc “biết mà không nói, nói mà không làm, làm mà không tận gốc”.
Thực tế, nhiều cán bộ, nhân viên kiểm lâm đã bị kỷ luật, vướng vòng lao lý. Nhưng vì sao cán bộ vẫn cứ bị kỷ luật mà rừng vẫn cứ mất?
Phải mất 5 năm, 10 năm... hay thậm chí còn lâu hơn để có một cánh rừng với những gốc cây to đến 2 - 3 người ôm. Như ông Lê Trí Thanh nhắn nhủ, với lương tâm và lòng tự trọng cao nhất, lực lượng kiểm lâm, các ban quản lí rừng hãy dũng cảm đối mặt với sự thật để trả lời câu hỏi “vì sao rừng vẫn cứ mất”? Và hơn hết, hãy lắng nghe “tiếng khóc than” của "mẹ thiên nhiên" mà làm việc có trách nhiệm hơn!
Đăng Quang