Doanh nhân CCB Nguyễn Thanh Sơn (bên phải) trao tiền hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Hải Yến ở phường Phú Xuân, TP. Huế xây nhà Nghĩa tình đồng đội, tháng 6-2025.

Mang trên mình với thương tật hạng 3/4, bác sĩ, doanh nhân, CCB Nguyễn Thanh Sơn khi nghỉ hưu đã không chọn cho mình nghỉ ngơi. Ông bước tiếp hành trình mới: Mở phòng khám tư nhân, góp phần chăm lo sức khỏe nhân dân; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm lan tỏa tinh thần Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường.

Năm 1980, Nguyễn Thanh Sơn, chàng thanh niên 20 tuổi quê ở xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (cũ) tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi huấn luyện, Nguyễn Thanh Sơn được điều động làm nhiệm vụ chống phỉ bên Salavan và Khăm Muộn, nước bạn Lào. Cũng tại chiến trường ác liệt này, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Sơn bị thương nặng. Sau đó, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, Nguyễn Thanh Sơn tiếp tục phục vụ trong Quân đội rồi được cử đi học tại Trường đại học Y dược Huế. Ra trường, đồng chí Sơn trở thành bác sĩ quân y, chuyên khoa ngoại, công tác tại Sư đoàn 968 rồi Bệnh viện Quân y 268, Quân khu 4. Suốt 34 năm trong quân ngũ, bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn không chỉ chữa bệnh cứu người mà còn truyền tinh thần y đức - kỷ cương - gương mẫu đến các lớp cán bộ, chiến sĩ trẻ. Tháng 10-2014, ông nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá.

Ngỡ rằng sau nhiều năm cống hiến, ông sẽ chọn cuộc sống an nhàn. Nhưng không. Với ông, được sống là phải tiếp tục làm điều có ích. Với nền tảng chuyên môn và kinh nghiệm vững vàng, ông bắt tay vào một hành trình mới - hành trình lập nghiệp trong Ngành y tư nhân.

Năm 2015, Phòng khám Đa khoa Thanh Sơn chính thức đi vào hoạt động tại TP. Huế. CCB Nguyễn Thanh Sơn nhớ lại những ngày đầu mở phòng khám: “Nghĩ lại, tôi thấy mình liều thật. Để có được cơ sở 5 tầng khang trang, trang thiết bị hiện đại với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, tôi dốc toàn bộ vốn liếng, vay ngân hàng, thế chấp tài sản, vận động người thân. Nhưng khi đó, tôi tin rằng, những người lính như tôi không thể dừng lại khi đất nước vẫn cần đến mình và nhân dân cần dịch vụ y tế chất lượng cao trong bối cảnh bệnh viện công quá tải”.

Điều đặc biệt khi lập phòng khám là CCB Nguyễn Thanh Sơn luôn ưu tiên tuyển dụng CCB, cựu quân nhân, con em người có công vào làm việc, tạo sinh kế, tiếp nối tình đồng đội.

Không chỉ tiếp tục hành trình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, với vai trò Chủ tịch Hội Doanh nhân, Chủ trang trại CCB TP. Huế, CCB Nguyễn Thanh Sơn luôn chủ động kết nối, vận động, khích lệ hội viên đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho xã hội. Năm 2024, Hội phát triển thêm 11 hội viên, nhiều người trong số đó khởi nghiệp từ bàn tay trắng, trở thành điển hình trong các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, y tế, dịch vụ... Các doanh nghiệp do hội viên CCB làm chủ đã tạo việc làm cho gần 6.000 lao động. Con số cho thấy sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào thi đua “CCB làm kinh tế giỏi” tại địa phương.

Cùng với hoạt động sản xuất là công tác từ thiện, nhân đạo, lĩnh vực mà CCB Nguyễn Thanh Sơn đặc biệt tâm huyết. Từ năm 2015 đến nay, riêng Phòng khám Thanh Sơn đã tổ chức hàng chục đợt khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật, gia đình chính sách. Hưởng ứng các phong trào “Tháng công nhân”, “Tháng 3 biên giới”..., ông Sơn cùng Hội phối hợp với nhiều đơn vị tặng quà, khám bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa; ủng hộ đồng bào thiên tai lũ lụt, vận động xây dựng Nhà tình nghĩa, hỗ trợ gia đình CCB và nhân dân khó khăn.

Chỉ trong năm 2024, tổng giá trị các hoạt động từ thiện do ông trực tiếp đóng góp và tổ chức lên đến hơn 745 triệu đồng. Không dừng lại ở vật chất, ông còn tích cực khơi dậy tinh thần thiện nguyện trong hội viên và người thân. Chính ông là người đầu tiên vận động cán bộ, nhân viên phòng khám tham gia hiến máu nhân đạo, đến nay đã có hàng chục đợt với hàng nghìn mi-li-lít máu được trao đi từ những cánh tay Bộ đội Cụ Hồ.

Hành động giản dị nhưng đầy tính nhân văn đã được lan tỏa rộng khắp. Trong các buổi họp Hội, hội nghị thi đua, ông không chỉ báo cáo kết quả mà còn truyền cảm hứng, gieo mầm thiện lành trong lòng người. Ông Sơn nói: “Tôi luôn tâm niệm, một doanh nhân CCB không chỉ là người kiếm tiền giỏi mà còn là người biết chia sẻ, đồng hành, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Với những đóng góp bền bỉ, liên tục, doanh nhân CCB Nguyễn Thanh Sơn được các cấp khen thưởng, biểu dương nhiều lần: T.Ư Hội CCB Việt Nam, UBND TP. Huế; là đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc; gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023...

Nhưng ông chưa bao giờ kể về mình. Trong tất cả các cuộc gặp, ông luôn nói nhiều hơn về hội viên khác, về những người còn khó khăn, về những việc cần làm. Ông xem thành công cá nhân là bàn đạp để lan tỏa điều tốt đẹp, để truyền cảm hứng cho thế hệ sau, những người sẽ tiếp nối “chất lính” trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

Cuộc đời doanh nhân CCB Nguyễn Thanh Sơn là minh chứng cho chân lý “Thương binh tàn nhưng không phế”. Dù chiến tranh hay hòa bình, dù ở chiến trường hay trên thương trường, ông luôn mang trong mình ngọn lửa cống hiến, phụng sự nhân dân, đất nước. Hình ảnh người thương binh - bác sĩ - doanh nhân ấy đã, đang và sẽ còn tỏa sáng giữa đời thường như một biểu tượng đẹp về phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới.

Vũ Minh