Lương y Phạm Văn Tấn hướng dẫn phương pháp tác động cột sống cho các học viên.

“Tác động cột sống (TĐCS) là phương pháp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe không dùng thuốc mà dùng phần mềm đầu ngón tay của người thầy thuốc “lấy nhu thuật làm chủ đạo” thao tác trên cột sống, xác định những điểm rối loạn liên quan đến các chứng bệnh nhằm giải tỏa những điểm rối loạn “điểm bệnh lý” lập lại sự cân bằng cho cơ thể” - lương y Phạm Văn Tấn - Chủ tịch Hội TĐCS, thuộc Hội Đông y T.P Hà Nội mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Phương pháp trị bệnh hiệu quả, an toàn

Có niềm đam mê với y học cổ truyền từ nhỏ, lương y Phạm Văn Tấn đã tìm tòi học hỏi nhiều phương pháp chữa bệnh khác nhau. Tuy nhiên, khi đến với phương pháp TĐCS và được cố lương y Nguyễn Văn Lợi - nguyên Chủ tịch Hội TĐCS Hà Nội truyền dạy, dìu dắt và tạo đam mê thì anh xem như đây là nhân duyên và thấy rất phù hợp với anh.

Qua nhiều năm ứng dụng chữa trị với niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp TĐCS, lương y Phạm Văn Tấn cho rằng: Điểm ưu việt của phương pháp này là điều trị không dùng thuốc, không dùng dụng cụ hỗ trợ, không gây đau đớn cho người bệnh, chi phí chữa bệnh thấp, chỉ bằng đôi bàn tay là có thể giúp được nhiều người bệnh.  Mặt khác, phương pháp TĐCS có khả năng chữa trị được nhiều loại chứng bệnh, nhất là các bệnh mạn tính không lây nhiễm thuộc nhiều hệ cơ quan trong cơ thể như: Tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, tiết niệu, thần kinh, cơ-xương-khớp… “Chỉ bằng đôi bàn tay, người học nắm vững được kiến thức nền tảng của phương pháp và các kỹ thuật thực hành chuẩn để ứng dụng thăm khám và điều trị thì sẽ mang lại hiệu quả” - lương y Phạm Văn Tấn khẳng định.

Lương y Phạm Văn Tấn chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân.

Căn phòng nhỏ trên gác hai, ngay đầu phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội - nơi lương y Phạm Văn Tấn dành để khám và chữa bệnh miễn phí cho người dân, chúng tôi đã ghi lại nhiều câu chuyện cảm động:

Cháu Nguyễn Thị Hồng Nhung (13 tuổi), đường Trần Cao Vân, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, bị viêm đa khớp hai đầu gối và các khớp tay, chân sưng và đau. Cháu không tự đi lại được nên nhiều năm liền đi học đều trên lưng bố. Khi gia đình đưa cháu gặp lương y Phạm Văn Tấn, anh đã nhận chữa trị miễn phí. Sau ba tháng kiên trì điều trị bằng TĐCS, cháu Nhung đã ổn định và tự đi lại được bằng chính đôi chân của mình. Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Thái (bố cháu Nhung) xúc động nói: “Thầy Tấn đã sinh ra con tôi một lần nữa. Hạnh phúc nào bằng khi con trở lại là một đứa trẻ bình thường!”.

Đối với anh Nguyễn Văn Cường (sinh 1974), hiện công tác tại Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Anh bị thoát vị đĩa đệm đốt sống L4-L5, L5-S1 đau đớn không đứng, không ngồi được. Sau 20 ngày điều trị bằng TĐCS, sức khỏe anh Cường đã ổn định và đi lại như người bình thường.

Thực hiện tâm nguyện của thầy

Phương pháp TĐCS được cố lương y Nguyễn Tham Tán, quê xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ nghiên cứu, ứng dụng vào điều trị bệnh cho nhân dân từ những năm 1950. Phương pháp này được Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội đồng khoa học để đánh giá hiệu quả sau 11 năm thử nghiệm (1978-1991) và khẳng định tại các hội nghị khoa học do Bộ Y tế chủ trì: Phương pháp điều trị bằng TĐCS đạt tốt từ 83-96%.

TĐCS là phương pháp vừa phòng bệnh, chữa bệnh vừa chăm sóc sức khỏe khá hiệu quả, an toàn, không tốn kém cho người bệnh, phù hợp với việc phổ cập trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Sinh thời, cố lương y Nguyễn Tham Tán và cố lương y Nguyễn Văn Lợi (cố lương y Nguyễn Văn Lợi là một trong những học trò xuất sắc được cụ Nguyễn Tham Tán truyền nghề và là người duy nhất được chữa bệnh cùng với cụ cho đến lúc cụ mất) đều mong muốn và luôn căn dặn các thế hệ học trò đưa phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc này lan tỏa ra cộng đồng.

Thực hiện tâm nguyện của thầy, tính đến nay, lương y Phạm Văn Tấn đã trực tiếp truyền nghề cho hơn 1.500 học viên về phương pháp TĐCS. Đồng thời, lương y Phạm Văn Tấn được mời biên soạn tài liệu và làm giảng viên chính đào tạo Kỹ thuật viên TĐCS cho Trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội. Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh cho biết: “Đây là một phương pháp chữa bệnh quý của Y học dân tộc Việt Nam. Lương y Phạm Văn Tấn đã phối hợp rất chặt chẽ với nhà trường để hiện thực hóa mục tiêu đó”.

Không chỉ tham gia đào tạo, lương y Phạm Văn Tấn còn cùng với cán bộ, hội viên Hội TĐCS Hà Nội phối hợp với Hội Đông y Thành phố tổ chức các buổi trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với một số ít người biết chữa bệnh bằng TĐCS thì chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của người bệnh vì một người làm TĐCS chỉ có thể giúp được từ 10-20 người bệnh/ngày. “Tôi nghĩ chỉ có đào tạo và đào tạo có chất lượng thì mới nhân rộng và phát triển được TĐCS cho cộng đồng” - lương y Phạm Văn Tấn chia sẻ.

Từng là học viên tham gia lớp TĐCS tại T.P Hồ Chí Minh, chị Trần Lan Hương - Huấn luyện viên Dinh dưỡng và Sức khỏe, cho chúng tôi biết: “Tôi nghĩ phương pháp này dễ lan tỏa trong cộng đồng vì tính ứng dụng cao, học không khó, thời gian học không dài và ai cũng có thể học được, không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn. Hơn nữa, phương pháp TĐCS không chỉ nhấn mạnh kỹ thuật chữa bệnh từ đôi bàn tay khéo léo của người thầy, qua lớp học thầy Tấn còn truyền cho học viên cách trị tâm bệnh với câu nói “Tác động cột sống tâm - tay nối liền”, để mỗi người bệnh tự chữa lành, tự cân bằng trong cuộc sống”.

Hội TĐCS Hà Nội vừa đào tạo xong khóa 22 cho các học viên ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của lương y Phạm Văn Tấn. Tại lớp học khóa 22, đối tượng học viên rất đa dạng, đến từ nhiều ngành, nghề, độ tuổi, trình độ khác nhau. Là một học viên của lớp, bác sĩ Phạm Xuân Trường - Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Đây là phương pháp trị bệnh đã được thực nghiệm trong thực tiễn và trong nghiên cứu khoa học. Với tính ưu việt của nó, bản thân tôi cũng muốn học tập để có thể giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn trong cuộc sống”.

Hy vọng rằng, với tâm nguyện của lương y Phạm Văn Tấn và các cộng sự, phương pháp trị bệnh bằng TĐCS - phương pháp trị bệnh độc đáo của y học dân tộc Việt Nam sẽ được lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Minh Thành