Thương binh Nguyễn Văn Lợi (thứ nhất từ trái) giới thiệu kinh nghiệm chăn nuôi bò 3B của gia đình.
Hiện nay, mô hình nuôi bò 3B vỗ béo đã trở thành một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân, trong đó thương binh Nguyễn Văn Lợi, ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là một điển hình.
Ông Lợi “bén duyên” với bò 3B sau khi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi hiệu quả với quy mô lớn trên các trang mạng xã hội. Ông trực tiếp đến Ba Vì (Hà Nội) để tìm hiểu về đặc tính, tập quán, bệnh lý, thức ăn hay môi trường sống của giống bò này. Bò 3B là giống bò lai của Bỉ, mới du nhập vào nước ta cách đây ít năm, ông Lợi là người đầu tiên đem giống bò này về nuôi tại huyện Trấn Yên. Ông chia sẻ: “Sau nhiều năm, chuyển nhiều ngành nghề khác nhau ông đã tập trung tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả và quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò 3B và trồng cây ăn quả. Việc nuôi bò 3B không khó, bởi đây là giống bò có sức đề kháng tốt, ăn tạp. Vì thế, mình tận dụng được nguồn thức ăn thô quanh nhà”.
Ông Lợi quyết định “khởi nghiệp” với 15 con bò giống, với tổng số tiền là 300 triệu đồng, mua tại Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, ông trồng 3.000m2 cỏ voi, chuẩn bị cám ngô, bã bia, mía, các phế phẩm nông nghiệp khác vừa tiết kiệm chi phí chăn nuôi, vừa đảm bảo an toàn không chứa chất cấm gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bò. Thức ăn được ông nghiền nhỏ để bò hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng. Ông đặc biệt lưu ý cấp nước uống đầy đủ trong máng, thay nước mới thường xuyên cho, như vậy giúp bò tiêu hóa dễ dàng hơn, khỏe hơn, chất lượng thịt cũng tốt hơn.
Bò nuôi từ 8-10 tháng, khi gần xuất chuồng, ông sử dụng cám vỗ béo để tăng trọng lượng. Sau 1 năm chăn nuôi, trung bình mỗi con bò của gia đình đạt từ 5,5-6 tạ, xuất bán với giá giao động từ 95.000-110.000 đồng/kg hơi. Điều quan trọng là nuôi bò 3B không phải lo đầu ra, bởi chất lượng thịt ngon, tỷ lệ thịt cao, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, không bao giờ bị ép giá. Để đàn bò phát triển tốt, ngoài chuẩn bị nguồn thức ăn, ông Lợi còn chủ động theo dõi lịch tiêm phòng vắc-xin phòng chống các bệnh phổ biến như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm ông Lợi nuôi từ 15-20 con bò 3B, sau khi trừ các khoản chi phí còn thu nhập từ 200-400 triệu đồng.
Ông Lợi cho biết: “Với khẩu phần ăn của chúng rất đa dạng và phong phú. Vì thế bò 3B rất mau lớn và đạt chất lượng cao nhất trong các loại giống bò hiện nay. Nếu cùng thời gian nuôi trong 2 năm thì giống bò 3B đạt được trọng lượng từ 6-8 tạ, trong khi giống bò nội chỉ đạt được 2-2,5 tạ. Vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao”.
Nói về thương binh Nguyễn Văn Lợi, ông Đặng Tiến Quyền - Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cổ Phúc cho biết: “Tuy là thương binh nhưng ông Nguyễn Văn Lợi luôn tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình. Đây là mô hình chăn nuôi rất hiệu quả, cho thu nhập cao và bền vững. Chúng tôi đang định hướng cho người dân mở rộng hình thức chăn nuôi này. Mô hình của ông Lợi sẽ là nơi để bà con học tập, làm theo”.
Vũ Thảo