**
Dấu hiệu nhận biết**
Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm nếu bệnh nhân sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc, người bệnh thấy đột ngột có những triệu chứng buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu) có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C.
Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng thường nặng. Nếu nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước do tuổi cao làm mất cảm giác khát); mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.
Khi bị ngộ độc thực phẩm cần làm gì?
Trước một người bị ngộ độc hoặc nghi bị ngộ độc còn tỉnh táo, cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn bị đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt bằng cách dùng 2 ngón tay của chính bệnh nhân để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi gây phản xạ nôn. Chú ý, khi bệnh nhân nôn để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi. Trong trường hợp nếu biết chất độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất trừ sâu thì không gây nôn vì gây nôn có thể sẽ làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang gây nôn.
Sau khi cấp cứu tại chỗ, nên chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị chuyên khoa. Trường hợp đến muộn, cần gửi bệnh nhân vào khoa hồi sức cấp cứu chữa trị. Có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc Trung ương để hỏi thông tin khi cần thiết.
Để phòng tránh bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần chọn thực phẩm tươi sống, bảo quản chế biến đúng cách, nấu chín khoảng 100 độ C trong 10 phút; rau sống, trái cây cần phải rửa bằng nước sạch nhiều lần, ngâm dung dịch nước muối hoặc thuốc tím, rửa lại bằng nước sạch trước khi ăn. Nhân viên chế biến thực phẩm cần phải đeo găng tay, đeo khẩu trang, nhân viên phục vụ cần phải tắm rửa, mặc y phục sạch sẽ và được khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần). Nên tránh ăn các loại hải sản sống (tôm, mực, cá... thái mỏng, ướp lạnh ăn với mù tạt). Đậy kín các loại thức ăn, không ăn các loại thực phẩm thừa, ôi thiu, quá hạn sử dụng.
Thành An