Trước khi uống rượu: Nên ăn súp. Nếu không có súp thì húp vài thìa to nước dùng (nấu từ động vật) hoặc canh rau để tráng một lớp chất béo lên niêm mạc tiêu hóa, hạn chế hấp thu rượu.
Trong quá trình uống rượu, chú ý ăn kèm các món rau sa lát, mướp đắng ướp đá, luộc, xào; giá đậu, ngó sen, củ đậu, củ cải... Những món giàu đạm động vật giảm hấp thu rượu, đồng thời hóa giải rượu. Cơm chan canh (làm loãng độ cồn) đều là những món ăn sẵn có để giã rượu kịp thời.
Sau khi ăn bạn nên uống trà, cà phê nóng, ăn trái cây nhiều nước (cam, quýt, dưa hấu, nho, lê...) hoặc các loại mứt.
Kỵ: Ăn hồng (làm say thêm). Không ra ngay nơi có gió lùa, mưa lạnh.
Chữa say: Khi thấy váng đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi lại không vững, nên tìm chỗ yên tĩnh, kín gió để nằm nghỉ. Nếu thấy lạnh, phải xoa sát bàn chân, tự lấy 2 lòng bàn chân xoa xát lên 2 mu bàn chân (hoặc nhờ người khác) đi tất, đắp chăn, nhất là vào những ngày lạnh giá cơ thể đang mất nhiệt nên càng nguy hiểm dễ nhiễm gió lạnh, mắc cảm.
Nếu say buồn nôn là phản xạ tự vệ tốt cần tìm cách cho nôn như ngoáy họng, uống nước sắc cuống dưa bở hoặc hãm nước sôi cho kịp thời. Nôn được sẽ tống độc sớm ra ngoài nhưng rất mệt. Nôn xong cần súc miệng nước ấm, xoa bóp cho ấm 2 bàn chân, đi nằm đắp chăn, tiếp tục theo dõi. Khi tỉnh, nên ăn cháo đậu xanh nóng hoặc pha bột đậu, trà gừng uống.
Giải say còn có phương pháp gây đi ngoài tháo độc, áp dụng cả sau khi đã nôn: Sinh địa hoàng 15g, sinh chi tử 15g. Sắc với 500ml nước để uống.
Chống say theo kinh nghiệm dân gian: Uống nước cốt lá dong (giã nhuyễn); uống nước hòa bột sắn dây sống; nước sắc vỏ cam, hoặc quýt, quất, chanh; hoa sắn dây hãm với trà để uống.
Lưu ý: Nếu say, không tìm ngay cách giải độc rượu, mà đi nằm ngủ lịm có thể bị cảm. Người say tham gia giao thông cũng vô cùng nguy hiểm vì phản xạ chậm.
Hải Tiến