Đó là lời khen của anh em thương binh dành cho cánh lái xe chúng tôi trong một lần chuyển thương trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn thời đánh Mỹ.

Thời điểm sau Tết Mậu Thân 1968, tôi đang là Chính trị viên Đại đội 1 ô tô vận tải, Tiểu đoàn 52, thuộc Binh trạm 14, Bộ Tư lệnh 559. Thường thì sau khi chuyển hàng vào giao cho tuyến trong, khi ra chúng tôi có nhiệm vụ chuyển thương binh về tuyến sau. Thực tế có một số lái xe rất ngại chuyển thương binh. Không phải anh em mình không thương đồng chí, đồng đội, nhưng chuyển thương binh ra vô cùng vất vả. Gặp khi địch đánh, phải chuyển thương binh vào nơi ẩn nấp, trong khi lái xe chỉ một thân một mình, thật khó bề xoay xở. Thường thì ba - bốn xe chuyển thương binh mới có một y tá đi cùng để xử lý những trường hợp bất thường.

Trong một chuyến vào giao hàng ở Tha Mé, khi ra, tôi ngồi xe của Kim Ngọc Quản (sau được tuyên dương Anh hùng LLVTND). Xe của Quản chở 4 thương binh. Cùng chở thương binh ra có xe của Phạm Ngọc Khôi và Hoàng Văn Mần. Chúng tôi về đến Văng Mu thì máy bay địch phát hiện, đuổi theo đánh ra đến cây số 91. Biết xe chở thương binh không thể chạy cố được, anh em công binh khuyên chúng tôi nên đưa xe vào giấu trong bản Nhang Nhao gần đó. Trong bản có mấy cô gái vẫn thường ngụy trang cho xe chúng tôi mỗi khi vào giấu ở bản. Tôn trọng lái xe và anh em thương binh, tôi hỏi Kim Ngọc Quản:

- Quản tính xem nên về hay vào Nhang Nhao nghỉ tạm?

- Phải về thôi anh - Quản nói ngay - ở lại lo ăn, nghỉ cho thương binh phức tạp lắm!

Tôi leo lên thùng xe và hỏi mấy anh em thương binh:

- Các đồng chí ơi, ở lại đây hay về? Ở lại không biết thế nào, nhưng nếu về, địch đuổi đánh, phải chạy nhanh thì các đồng chí đau thêm.

- Không lo đâu, chúng tôi chịu được - nếu về kịp thì về, ở lại đây phức tạp lắm. Các anh còn phải chuyển hàng vào nữa…

Nghe anh em nhắc đến nhiệm vụ chuyển hàng vào, trong tôi trỗi dậy một sự cảm kích vô bờ. Chiến sĩ của ta là vậy, bị thương chưa biết tính mạng của mình sống chết ra sao, nhưng vẫn nghĩ đến nhiệm vụ, nghĩ đến chiến trường…! Tình cảm, trách nhiệm của anh em thương binh khích lệ chúng tôi đi tiếp. Đến Cốc Mạc, xe của Quản bị chặn đánh. Bom rơi phía sau xe, hai bên đường, lửa cháy rừng rực, khói lửa ngút trời. Tôi hỏi Quản:

- Đi hay dừng?

- Đã ngồi lên lưng cọp rồi, chỉ có đi thôi - Quản trả lời không một chút đắn đo.

Xe lại rùng mình chuyển động. Tôi rời buồng lái, ra đứng ở bậc lên xuống để quan sát máy bay và chỉ huy Quản; một tay tôi vòng vào kẹp mặt trong cánh cửa buồng lái, một tay nắm cọc giàn mướp” ở mui xe. Gặp “hố voi”, xe vật vã, người như muốn bắn ra khỏi xe. Đứng ở bậc lên xuống quan sát thấy máy bay địch vòng lại, tắt đèn, biết thế nào chúng cũng bổ nhào cắt bom. Khi đó, ước lượng bom rơi trước hay sau xe, tôi hô to để Quản tăng tốc, hoặc dừng lại. Cứ thế, chúng tôi vượt trọng điểm Cốc Mạc an toàn.

Qua cây số 63, có chỗ giấu xe, nhưng lúc này cũng đã gần sáng và về đến đơn vị cũng chỉ hơn chục cây số nữa, nên chúng tôi quyết định chạy thẳng. Máy bay địch vẫn không buông tha, đuổi đánh theo kiểu cuốn chiếu. Pháo sáng chúng thả đầy trời. Xe chạy vào mùa khô tạo thành những con “rồng bụi” khổng lồ, không qua khỏi mắt chúng. Trong ấm ầm tiếng bom đạn, tiếng máy ô tô, tôi nghe tiếng Quản hỏi với giọng hài hước:

- Anh đứng vậy có sợ vỡ “gáo” không?

- Đã sợ, thì tớ không đứng, đầu có mũ sắt rồi, và nếu “gáo” tớ vỡ thì đầu cậu lành chắc?

- Đúng là bom địch bỏ chưa chắc trúng xe mình, mà có trúng xe, chưa chắc mình đã chết, anh nhỉ?

Chúng tôi cứ chuyện trò tếu táo, theo kiểu “quát tháo” như vậy cho đến cách vị trí tập kết của Tiểu đoàn chừng 4 cây số thì có người của Binh trạm ra đón thương binh, đưa vào trạm phẫu. Tôi nhảy lên thùng xe đỡ anh em xuống, thấy vô cùng thương tâm, máu các anh chảy ra quánh với áo quần, lá ngụy trang… Hai đồng chí bị thương nặng, nên tiếng rên khe khẽ như sợ chúng tôi buồn thêm. Còn hai đồng chí bị thương nhẹ cứ xuýt xoa: “Các đồng chí lái xe giỏi và quả cảm lắm - nhất Đông Dương, nhất Đông Dương…!”.

Chuyển được thương binh xuống, bàn giao xong thì trời cũng sáng bạch. Đám OV.10 đã vè vè tới. Nếu chậm chút nữa thì anh em tôi khó lòng chạy thoát!

Đêm nào cũng vậy, vào tầm gần sáng, nghe tiếng xe ì… ì tiến vào vị trí đỗ, lập tức các đồng chí ở nhà ra đón xe, đón thương binh; hỏi han xe có hỏng hóc gì cần sửa không… Sau đó, Chỉ huy yêu cầu lái chính về rửa mặt, ăn sáng, tranh thủ nghỉ lấy sức để tầm 3 giờ chiều lại đi nhận hàng chuẩn bị cho chuyến đi đêm hôm đó…

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể, Duy Tường ghi